Bộ trưởng Tài chính: Ngăn chặn việc 'ép' mua bảo hiểm qua ngân hàng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/03/2024 17:02 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã triển khai nhiều giải pháp cả về pháp lý lẫn thanh, kiểm tra, xử lý để ngăn chặn tình trạng "ép" mua bảo hiểm qua ngân hàng.

Tại báo cáo phục vụ chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.3 tới, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỉ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỉ đồng.

Bộ trưởng Tài chính: Ngăn chặn việc 'ép' mua bảo hiểm qua ngân hàng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại Quốc hội

GIA HÂN

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỉ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Cùng với đó, thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance).

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh.

Chuyển thông tin cho Ngân hàng Nhà nước giám sát

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng.

Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính đã bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng "ép" mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Cụ thể là các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Cùng đó, việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý.

Các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn. Trong đó có xác nhận của khách hàng về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phát hành hợp đồng trong trường hợp nội dung ghi âm không có xác nhận của bên mua bảo hiểm về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.

Ngoài ra, để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.

Sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ).

Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó sẽ thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).

Bộ trưởng Tài chính đánh giá, để thị trường bảo hiểm đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.