Bộ trưởng TN-MT bức xúc với cò đấu giá đất, ‘quân xanh quân đỏ’

Lê Quân
Lê Quân
16/03/2022 15:52 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, trong thực hiện tổ chức đấu giá đất, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “ cò đấu giá ”, “quân xanh quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá…

Dìm giá, "thổi giá" đất nguy hiểm như nhau

Theo chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16.3, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn, trong đó có vấn đề liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian qua. Vấn đề đấu giá đất tạo ra bầu không khí "nóng" của hội trường Quốc hội khi nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho tư lệnh ngành TN-MT.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về đấu giá đất chiều 16.3

ngọc thắng

Mở đầu chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT nêu giải pháp khắc phục tình trạng đấu giá đất cao bất thường, nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ bức xúc trước thực tế đấu giá đất còn tồn tại nhiều tiêu cực ở các địa phương. “Không chỉ có thổi giá, thực tế còn có dìm giá, quân xanh quân đỏ. Dìm giá trong đấu giá đất thì gây thất thoát tài sản nhà nước. Dìm giá cũng nguy hiểm không kém thổi giá. Còn thổi giá trong đấu giá đất gây biến động nhiễu loạn thị trường, thiết lập mặt bằng giá đất ảo, ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế, tạo ra nhiều hệ luỵ. Đơn cử, giá đất bị thổi cao có thể là chiêu trò để rút tiền, chiếm đoạt vốn từ ngân hàng, gây ảnh hưởng an ninh tiền tệ…”, Bộ trưởng Hà nói.

Vụ dìm giá đất khi thẩm định ở H.Đông Anh, Hà Nội liên quan đến đại gia Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Tập đoàn được phẩm Vimedimex, được nêu ra là ví dụ điển hình

lê quân

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đất đai đang được điều chỉnh bởi nhiều luật như luật Đất đai, luật Thuế, luật Đấu thầu… Tưởng chừng như vậy là chặt chẽ nhưng thực tế các quy định tại các luật liên quan đến đất đai đang chung chung, thiếu chi tiết, cụ thể, nhất là về xác định giá trị khi đấu giá.

Phải thẩm định tốt năng lực các bên tham gia đấu giá đất

Theo Bộ trưởng Hà, cần có phương pháp thẩm định giá đấu giá đất khác, khoa học hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, phải thẩm định tốt năng lực của các bên tham gia cuộc đấu giá, từ bên tổ chức, đơn vị tham gia trả giá đấu giá, quy định rõ trách nhiệm của các bên tham gia cuộc đấu giá.

“Đơn cử, cần chứng minh rõ được nếu trả giá lên cao đến mức nào đó thì nguồn tiền trả sẽ lấy ở đâu? Ngoài ra, các vấn đề tiền đặt cọc trước khi đấu giá đất cũng cần thay đổi; thời gian trả tiền khi đấu giá thắng cũng cần ngắn hơn để tránh tình trạng lợi dụng đẩy giá cổ phiếu, trái phiếu. Một vấn đề quan trọng nữa là cần có chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm như bỏ cọc, bỏ đấu giá, quân xanh quân, quân đỏ… không loại trừ hình sự hoá. Nhưng theo tôi, nên đẩy mạnh chế tài xử lý theo hướng biện pháp đánh vào kinh tế là đủ sức răn đe”, Bộ trưởng Hà nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận, tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến lỗ hổng trong xác định giá đất khi tổ chức đấu giá, lúc cao lúc thấp.

Vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc khi thắng đấu giá lô đất 3.12 tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM là ví dụ điển hình, được nhiều đại biểu nêu khi đặt câu hỏi

ngọc Dương

Theo Bộ trưởng Hà, đất đai là đầu vào của nhiều ngành, khi bị đẩy giá cao thì gây tăng giá thành nhiều ngành. Do vậy, cần có điều kiện, trình tự đấu giá đất khác so với các mặt hàng đấu giá khác, phải chặt chẽ hơn.

“Đấu giá đất cần được coi là mặt hàng đặc biệt, khác hẳn với các tài sản khác… nên cần chặt chẽ hơn, kiểm soát tốt hơn. Thực tế, thời gian qua, có nhiều cuộc đấu giá rất lộn xộn, có tình trạng quân xanh quân đỏ; lộ lọt thông tin người tham gia đấu giá đất dẫn đến bị đe doạ…”, Bộ trưởng Hà nói và cho biết để xử lý, cần có nhiều biện pháp, bao gồm cả hình sự hoá. Tuy nhiên, tư lệnh ngành TN-MT vẫn cho rằng, nên đẩy mạnh xử lý theo biện pháp kinh tế là đủ sức răn đe. Còn muốn hình sự hoá thì cần phải bổ sung rõ ràng về các hành vi cụ thể để điều tra, xử lý.

Ông Hà cho rằng, về cốt lõi lâu dài, phải có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tốt từ cấp T.Ư đến địa phương, tránh tình trạng vì áp lực thu ngân sách trong nhiệm kỳ mà xin dự án sử dụng đất nhiều, trong khi thực tế sử dụng lại chưa dùng đến, dẫn đến lãng phí, tạo điều kiện cho đầu cơ đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.