Bộ trưởng TN-MT: Ưu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo trong đo đạc bản đồ

Đình Huy
Đình Huy
09/07/2024 20:22 GMT+7

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh nêu quan điểm này tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Khoa học đo đạc và bản đồ (9.7.1994 - 9.7.2024).

Trải qua 30 năm thành lập, Viện Khoa học đo đạc và bản đồ (Bộ TN-MT) đã mang lại cho lĩnh vực đo đạc, bản đồ những tài sản quý giá, kho báu đồ sộ với hàng trăm công trình khoa học, bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Trong đó, đã có công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Bộ trưởng TN-MT: Ưu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo trong đo đạc bản đồ- Ảnh 1.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT

ĐÌNH TRUNG

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT, đánh giá những công trình, các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học đo đạc và bản đồ đã góp phần vào việc ban hành các văn bản quy phạm, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế quan trọng, góp phần tạo nền tảng cho việc thống nhất và chuẩn hóa các hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, viện luôn chủ động đón đầu và bắt kịp với xu thế phát triển của khoa học - công nghệ cũng như yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Ông Khánh cho rằng, Viện Khoa học đo đạc và bản đồ là đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín, đơn vị duy nhất của Bộ TN-MT đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Kỹ thuật trắc địa - bản đồ; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về đo đạc bản đồ cho Bộ TN-MT cũng như các bộ, ngành liên quan, tập trung vào các mảng trắc địa cao cấp và trắc địa ảnh - viễn thám, bản đồ và GIS.

Người đứng đầu Bộ TN-MT cho rằng, trong thời gian tới, yêu cầu đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra ngày càng nặng nề nên vị trí, vai trò của lĩnh vực đo đạc, bản đồ ngày càng trở nên quan trọng.

Trong thời gian tới, ông Khánh yêu cầu Viện Khoa học đo đạc và bản đồ cần thiết xây dựng chương trình hành động cụ thể để nghiên cứu, chuyển giao, triển khai các công nghệ mới về đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Trong đó, ưu tiên lựa chọn nghiên cứu một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại để tham gia xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo phương châm "đúng, đủ, sạch, sống" phục vụ các lĩnh vực của ngành TN-MT và làm nền tảng quan trọng, cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

"Ưu tiên, chú trọng nghiên cứu các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại", Bộ trưởng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.