Sáng 10.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Khi đã có công nghệ, muốn tiêu cực cũng không được
Phát biểu tại tổ, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng 2 dự án luật Đường bộ (do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo) và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trên cơ sở tách ra từ luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trong định hướng xây dựng luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại tướng cho rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là rất quan trọng.
Bộ trưởng lấy ví dụ về giao thông đường bộ tại Trung Quốc, nếu các phương tiện không nằm trong hệ thống nhận diện biển số sẽ tự động bị từ chối cho tham gia giao thông. Còn với Việt Nam như hiện nay, biển thật, biển giả, biển nước ngoài đều có thể lưu thông trên đường.
Một câu chuyện khác được ông Lâm đề cập, đó là sự thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật của trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. "Ở đâu cũng có camera, nhưng chả ai kết nối với ai cả, ai cũng muốn làm", bộ trưởng nói và dẫn chứng về việc nhà đầu tư tại một số tuyến cao tốc dù lắp camera nhưng chỉ để đếm đầu xe chứ không giám sát hành trình, như vậy là không đủ tiêu chuẩn.
Đặc biệt, đại tướng cho rằng, việc áp dụng công nghệ sẽ giảm bớt "tiếng ong ve" trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Bởi khi đã phạt nguội, không có sự tiếp xúc cũng như giao dịch trực tiếp giữa người xử phạt và người bị xử phạt, muốn tiêu cực cũng không thể tiêu cực.
Sẽ tăng cường trang bị kỹ năng y tế cho CSGT
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công an, quá trình soạn thảo, bộ này cũng quán triệt về việc chú trọng xây dựng các quy định quan tâm đến quyền lợi của người yếu thế. Không chỉ về luật, trên thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT rất quan tâm đến vấn đề trên, thể hiện qua những hành động như dắt cháu bé, dẫn cụ già qua đường, hỗ trợ đưa người bị nạn đi cấp cứu…
Ông Lâm dẫn chứng về trung tâm 911 của Mỹ, khi người dân có chuyện gì đều gọi đến đầu mối này. Rồi như một số quốc gia, họ kết hợp cả xe cấp cứu và xe cảnh sát, tại các trung tâm hỗ trợ có cả bác sĩ túc trực…
Tại Việt Nam, lực lượng CSGT cũng có thể đáp ứng như vậy. Điển hình là những vụ việc đưa người bị nạn đi cấp cứu, thậm chí không được đào tạo đỡ đẻ nhưng vẫn giúp được nhiều trường hợp khẩn cấp…
Nhấn mạnh đến sự quan trọng về "cơ hội vàng" đưa người bị nạn đi cấp cứu, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay sẽ tăng cường đào tạo kỹ năng về y tế cho lực lượng CSGT, cứu nạn, cứu hộ… để tăng cường sự chủ động. Bởi, nếu đánh mất "cơ hội vàng" trong vòng 30 phút, cơ hội cứu người cũng sẽ thấp đi.
Một vấn đề nữa được đại tướng Tô Lâm nhắc tới, đó là công tác quản lý đăng ký xe. Ông cho rằng phải có sự minh bạch trong lĩnh vực này, thông qua xe chính chủ, tránh tình trạng người sử dụng xe thì không phạt lại đi phạt người đã bán xe lâu rồi. Nhìn rộng ra, điều này sẽ khiến xã hội không lành mạnh, tài sản của người này nhưng người khác quản lý, dẫn tới vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, kê khai tài sản…
Bình luận (0)