Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không nên suy đoán lũ lụt là do thủy điện

Vũ Hân
Vũ Hân
05/11/2020 15:33 GMT+7

“Chúng ta kết luận do thuỷ điện, thì ở đây chưa có vấn đề do thuỷ điện … Không phải lỗi của thuỷ điện nhỏ, lỗi là chúng ta chưa phân tích được lợi ích, tính năng, hiệu quả và công nghệ …”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

"Trời đổ nước xuống chứ không phải mưa nữa..."

Sáng 5.11, trước rất nhiều ý kiến của ĐBQH về tình hình bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, đặc biệt sau các sự cố liên tiếp ở miền Trung, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã có giải trình trước Quốc hội.
Với trách nhiệm tư lệnh ngành quản lý về tài nguyên môi trường, Bộ trưởng bày tỏ chia sẻ với mất mát của nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bươn bả chống, khắc phục hậu quả thiên tai và “đơn thuần cung cấp thông tin khách quan” để Quốc hội có cái nhìn chính xác về hiện tượng mưa bão, lũ lụt, sạt lở nặng nề vừa xảy ra.
Bộ trưởng dẫn báo cáo từ Uỷ ban quản lý rủi ro thiên tai của Liên Hiệp Quốc với nhận định được nhấn mạnh, thế giới đang chịu tác động biến đổi khí hậu với cường độ và tần suất thiên tai xảy ra tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua.
Việt Nam, đặc biệt, lại nằm trong vòng bão tây nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan.
Mặc dù thiên tai như vậy, Bộ trưởng khẳng định, nguy cơ tác động tới con người đã được “khắc chế”, kéo giảm. Theo ông Hà, từ năm 2012, Bộ đã triển khai chương trình điều tra tai biến địa chất (tập trung vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên) để cảnh báo được các nguy cơ sụt lún, lở đất.
“Chúng tôi đã xem xét lại các vụ việc xảy ra trong thời gian vừa rồi, cho thấy 1 điều, thảm hoạ thiên tai tại miền Trung vừa qua cho thấy đây là kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng gộp lại”, Bộ trưởng TN-MT nói.
Cụ thể, 4 cơn bão đến liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua. Hình thái áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung dẫn đến mưa lớn, lương mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử. Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa tới trên 500 mm/ngày.
“Lượng mưa theo tính toán vượt qua con số từ 2.000 - 2.400 mm thì nghĩa là trời đổ nước xuống chứ không phải mưa nữa”, ông Trần Hồng Hà so sánh.
Về yếu tố địa chất, Bộ trưởng TN-MT thông tin là số liệu ông đã có trong tay, ở những vùng sạt lở vừa qua, như Trạm 67 tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), tại Cha Lo (H.Minh Hoá, Quảng Trị), Đoàn 337 (H.Hướng Hoá, Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà My (Quảng Nam), Rào Trăng 3, thì vùng sạt sở đều ở độ cao 300 - 900 m.
Do đó, “chúng ta kết luận do thuỷ điện, thì ở đây chưa có vấn đề do thuỷ điện. Thuỷ điện Trà Leng 3 thì hiện nay chưa xây dựng, nên chúng ta không nên đưa ra các suy đoán như vậy, mà phải dựa trên cơ sở khoa học”, ông Hà nói trước Quốc hội, và lưu ý yếu tố chung là những khu vực này đều nằm trong các đới đứt gãy địa chất.  
Bộ trưởng cho rằng, những khu vực này luôn tiềm ẩn sẵn hình thái đứt gãy do tai biến địa chất, làm cho đất đá bị nát vụn, cộng với hiện tượng mưa trên 100 mm thì đều có nguy cơ sạt lở.
Còn khi mưa đến 500 mm thì làm gia tăng thêm trọng lượng trượt của đất, cùng với địa chất nội sinh đang hoạt động, kết hợp của các yếu tố cấu thành tổ hợp thiên tai: thiên tai từ sạt lở đất nhỏ gắn với đồi núi dốc và sông suối hẹp tạo nên biển hồ nước và kích hoạt hoạt động địa chất nội sinh là trượt.
Cũng theo ông Hà, như ông quan sát trên ảnh vệ tinh, các khu vực sạt trượt đều đã được phủ xanh chứ không phải đất trống.
Ông Hà cho rằng, dự báo thời tiết được 5 ngày, báo mưa trước 2 ngày, thì mặc dù hồ chứa miền Trung không có khả năng cắt lũ, nhưng nếu điều hành nhịp nhàng, khoa học thì cũng giảm được lũ ở phía dưới từ 30 - 70%, mà việc điều hành thì đã giao cho các địa phương.
“Không phải lỗi thuỷ điện nhỏ. Na Uy cũng rất nhiều thuỷ điện nhỏ. Lỗi là chúng ta chưa phân tích được lợi ích, tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ. Nếu ta tính được các công trình này hài hoà với tự nhiên (và chúng ta hoàn toàn làm được) thì chúng ta vẫn duy trì được nguồn điện năng và không làm biến đổi quá lớn tự nhiên”, ông Hà nhấn mạnh.

"Con đường mà chúng ta đã chọn là sửa luật Bảo vệ môi trường..."

Trong bài giải trình khá dài, hơn 10 phút, mà người điều hành thảo luận là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã 2 lần phải ngắt lời “Bộ trưởng nói gọn lại…”, “xin cảm ơn Bộ trưởng…”, ông Hà vẫn xin nói thêm mấy phút, nhấn mạnh về “khủng hoảng của chúng ta hiện nay trong tư duy lựa chọn các mô hình phát triển”, về có hi sinh môi trường hay không và nhấn mạnh tư duy phát triển được lựa chọn hiện nay đã thay đổi “từ khai phá và chế ngự tự nhiên sang với sống hài hoà với tự nhiên”.
"Sự thay đổi, đổi mới tư duy có những ý kiến khác nhau là đương nhiên. Nhưng tôi cho rằng, con đường và giải pháp mà chúng ta đã lựa chọn là sửa luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đáp ứng được những thách thức hiện nay, thách thức mà rất nhiều lần trên diễn đàn này đã nói", ông Hà nói.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị ĐBQH thể hiện ý chí bằng việc bấm nút, vì "bảo vệ môi trường không chỉ là suy nghĩ đẹp, là ước mơ, mà phải có việc làm thực tế là đầu tư nhân lực cũng như nguồn lực".
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hiện nay Việt Nam đã lựa chọn để xã hội tham gia, nhân dân cùng giám sát vấn đề bảo vệ môi trường.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 3.11, 4 tổ chức gồm: nhóm Hành động vì công lý -môi trường - sức khoẻ (JEH); Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA); Liên minh Phòng chống các bệnh Không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN); Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN); và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi tới Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội, Bộ TN-MT cùng ĐBQH khoá 14 thư kiến nghị xem xét chưa thông qua luật Tài nguyên - môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp lần này.
Trong khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vào việc thúc đẩy sự tham gia của xã hội, giám sát của người dân, thì 4 tổ chức trên kiến nghị dừng thông qua luật vì thiếu sự tham gia và giám sát này.
Thư kiến nghị cho rằng, một số khía cạnh và nguyên tắc quan trọng về bảo vệ môi trường đã bị bỏ sót hoặc quy định rất sơ sài, chưa thể hiện tuân thủ luật pháp quốc tế về các quyền cơ bản, chưa phát huy được chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững. 
Các tổ chức trên kiến nghị luật cần có quy định cụ thể về công khai thông tin môi trường; mở rộng đối tượng tham vấn trong đánh giá tác động môi trường; bổ sung quy định về quyền giám sát trực tiếp của người dân; có khung chính sách toàn diện, căn cơ về kiểm soát ô nhiễm không khí và rất đáng chú ý là quy định lại chủ thể có trách nhiệm công khai, làm rõ thời hạn công khai, hình thức công khai và phương thức công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Quy định về công khai này được cho là bước lùi so với luật hiện hành, khiến báo cáo ĐTM của dự án càng khó tiếp cận với người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.