Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: 'Năng lượng xấu lấn lướt trên mạng xã hội'

17/11/2017 12:01 GMT+7

Cho rằng mạng xã hội không xấu, nhưng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, vẫn có "năng lượng đen", tiêu cực ảnh hưởng rất nhiều trên mạng xã hội như "ném đá", công kích, bôi xấu, khiến một số vụ tự tử xảy ra.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kiều Trinh (Nghệ An) nêu thông tin giả, xuyên tạc, chống phá chế độ còn rất nhiều, có biện pháp kiểm soát nào?, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, cho hay 15 năm trước đây không ai nghĩ internet phát triển với mức độ như hiện nay ở Việt Nam, giới trẻ ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin rất giỏi. “Mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích, làm cho con người xích lại gần nhau, là kho kiến thức đồ sộ, khổng lồ để tìm kiếm mọi nơi, mọi lúc. Không ai có thể đi ngược lại xu hướng tiếp cận internet, mạng xã hội”, ông Tuấn cho nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cũng thừa nhận, tác hại từ mạng xã hội cũng không nhỏ, những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng nhiều hơn.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, phải nhìn nhận mạng xã hội là công cụ cho người dùng, là con đường để chúng ta đi, nhưng con đường đó có người tốt, kẻ xấu, thậm chí kẻ cướp. Mạng xã hội không xấu, nhưng ý thức của người sử dụng mạng xã hội là vấn đề.
Tự tử vì bị công kích trên mạng xã hội
“Khoảng 53 triệu người Việt Nam sử dụng internet và Facebook, hầu hết vẫn là người tốt, nhưng chỉ một bộ phận nhỏ xấu, nhưng năng lượng đen, năng lượng xấu ảnh hưởng rất nhiều đến mạng xã hội. Nói xấu nhau, ném đá, chì chiết rất nhiều. Nói tốt trên mạng xã hội ít người quan tâm, nhưng chỉ một lời lẽ xúc phạm thì gây kích động. Từ năm 2016 đến nay có ít nhất vài trường hợp tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội, ném đá chửi bới, lăng mạ nhau. Năng lượng xấu lấn lướt trên mạng xã hội”, Bộ trưởng Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cho biết, Bộ Thông tin - Truyền thông đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan phối hợp xử lý, để tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, hạn chế tối đa năng lượng xấu. Người dùng mạng xã hội trong nước rất ít, chủ yếu dùng mạng nước ngoài như Facebook, Google.
“Chúng tôi đã làm việc với các mạng nước ngoài, yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam. Có hơn 5.000 video clip trên Youtube có nội dung xấu đã yêu cầu gỡ bỏ. Dùng thông tin tích cực trên báo chí đẩy lùi thông tin xấu”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, có tình trạng báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, nhưng báo chí phải là hạt nhân, dẫn dắt, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội.
Báo chí phải chọn đúng người
Liên quan đến tình trạng một số phóng viên sách nhiễu, làm tiền doanh nghiệp mà đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) phản ánh, Bộ trưởng Tuấn thừa nhận, gần đây có tình trạng báo chí, nhất là phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù doạ doanh nghiệp. Bộ đã xử lý vi phạm hành chính, đình bản hoạt động, xử lý phóng viên thường trú, nhưng cảm giác tình trạng không giảm.
Nguyên nhân, theo ông Tuấn, do việc lựa chọn phóng viên thường trú, nhất là báo mạng, thậm chí chọn phóng viên bị kỷ luật về làm thường trú.
“Có lãnh đạo tỉnh đưa cho tôi 1 tháng viết 7 bài tìm mọi kẽ hở của địa phương để bêu xấu, không có 1 bài nào tốt. Phóng viên thường trú câu kết với cộng tác viên, làm thành quyền lực thứ 4 đi hù dọa doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo. Khoán trắng cho anh em thường trú tự nuôi sống và kêu gọi quảng cáo về cho tòa soạn”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, tình trạng hù doạ doanh nghiệp nhiều, có doanh nghiệp đưa danh sách 50 báo chí kêu gọi quảng cáo trong 1 tuần nhưng không dám tố cáo. Vì lo sợ “được vạ má đã sưng” nên nhịn một chút cho lành.
Bộ trưởng Tuấn cho biết đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, xem xét xử lý, trong đó giải pháp căn cơ là cơ quan báo chí phải chọn đúng người.
Liên quan đến thông tin sai sự thật trên báo chí, Bộ trưởng Tuấn cho biết, năm 2016, Bộ đã xử phạt gần 150 cơ quan báo chí - là năm xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Có thời điểm chỉ 1 tháng hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật.
Năm 2016, nhiều cơ quan báo chí cấp thẻ như thẻ nhà báo, Bộ đã xử lý, thu hồi, thậm chí xử lý cả 1 Phó tổng biên tập cấp thẻ gây nhẫm lẫn để đi sách nhiễu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông cũng khẳng định, những sai phạm của báo chí không thể làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.