Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Hỗ trợ làm nhà giá thấp
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết năm 2013 nhiệm vụ ngành xây dựng hết sức nặng nề, trọng tâm phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, cái cần làm ngay là thủ tục đầu tư phải được tiến hành nhanh, đặc biệt các dự án chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hoặc đầu tư mới, xin đất đầu tư nhà ở xã hội. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi dự án và đây cũng là lĩnh vực được nhà nước khuyến khích, xác định là nhiệm vụ chính trị, trong đó có chính sách nhà ở cho người nghèo nông thôn, nhà ở cho người có công, vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, vùng bão lũ miền Trung.
Đối với nhà ở xã hội tại đô thị, Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết cho sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp, người nghèo ở đô thị, công chức viên chức, văn nghệ sĩ, tri thức và nhà ở công nhân. Tùy theo các vùng, địa phương khác nhau mà xây dựng cho phù hợp từng đối tượng, vùng nào công nghiệp chưa phát triển, tập trung xây dựng nhà ở cho công chức, viên chức, sĩ quan; ở các đô thị phát triển mạnh như Hà Nội và TP.HCM phát triển nhà ở cho người nghèo, công nhân khu công nghiệp. Vùng trọng điểm kinh tế như Đồng Nai, Bình Dương... là xây nhà ở cho công nhân. Các địa phương ở phía bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và ở miền Trung như Nghệ An, Đà Nẵng... đều phải đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động. Các giải pháp cụ thể đã có, địa phương và đơn vị thuộc Bộ phải tạo điều kiện động viên doanh nghiệp (DN) làm, kể cả bắt buộc phải làm.
Một điểm mới cũng là lần đầu tiên được triển khai trong năm nay là chủ trương chuyển nhà ở xã hội sang tái định cư, không phải đầu tư bao cấp như ngày xưa, mà có sự điều tiết hỗ trợ của nhà nước. Tức là một thị trường phi hàng hóa, có thị trường, có cung cầu nhưng giá trị của nó làm ra có giá bán thấp hơn, vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước, khi nhà nước không thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế... Các chính sách hỗ trợ rất cụ thể nhưng các DN phải cạnh tranh để phát triển nhà ở xã hội. Nếu làm kém chất lượng, giá không cạnh tranh sẽ không bán được nhà. Nhà nước hỗ trợ nhưng khống chế khung giá trần, giá bán của DN không cao hơn khung giá nhà nước khống chế. Hiệu quả được xác định bằng cách so sánh các dự án của DN tương đương nhau xem dự án nào giá thấp hơn. Hiện nay nhà ở giá rẻ trên dưới 300 triệu đồng/căn đã có ở khu công nghiệp Bình Dương hay sắp tới là ở Đồng Nai. Ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác, xu hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ làm giá rẻ đi rất nhiều so với nhà ở thương mại cùng loại.
Người thuộc diện tái định cư, người nằm trong đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu đương nhiên được mua nhà ở xã hội. Nhà nước dành một khoản tiền mua nhà thương mại làm tái định cư theo cơ chế cạnh tranh, minh bạch để giá giảm. Tuy nhiên sẽ hạn chế tối đa việc dùng tiền ngân sách đầu tư nhà tái định cư, vì lâu nay người dân nghe rất nhiều dự án có liên quan đến bao cấp thì chất lượng thấp, dư luận đang không đồng tình. Phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường minh bạch nhưng có sự hỗ trợ của nhà nước là vấn đề khó. Lần đầu tiên nhà nước đưa ra cơ chế bằng nghị định phát triển nhà ở xã hội, sẽ ban hành trong thời gian tới. Đây là công cụ quản lý, vừa thu hút nguồn lực để phát triển. Ai làm nhà cho người nghèo thì được ưu tiên hỗ trợ, DN nào tập trung phát triển nhà xã hội thì được hỗ trợ đó là một thông điệp mà Bộ Xây dựng muốn gửi đi trong năm nay.
Anh Vũ
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Trảm” nhà thầu kém
|
Nhiều đề xuất của Bộ GTVT đã gây phản ứng trái chiều, chưa nhận được đồng thuận trong dư luận, như đề xuất “đổi giờ” tại Hà Nội, đặc biệt là đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân. Đề xuất này sau đó đã được gác lại nhằm khoan sức dân, bởi chủ một phương tiện giao thông đã bị gánh quá nhiều loại thuế, phí. Hồi đầu năm 2012, Bộ trưởng Thăng cũng từng đề xuất: “Nếu tai nạn giao thông tăng 3 năm liên tiếp, Bộ trưởng và trưởng các ban an toàn giao thông địa phương (chủ tịch hoặc phó chủ tịch tỉnh) cùng chịu trách nhiệm”, có thể bị kỷ luật, tùy mức nặng nhẹ khác nhau, cao nhất là cách chức.
Mai Hà
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Xử lý nợ xấu
|
Theo Thống đốc, trong năm 2013 sẽ tiếp tục cơ cấu lại NH mà trước hết là các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém. Triển khai Đề án xử lý nợ xấu theo hướng đánh giá lại chính xác tổng mức nợ xấu, tiến hành phân loại các khoản nợ theo khách hàng và đối tượng vay; chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp, kiềm chế nợ xấu phát sinh mới. Nợ xấu của TCTD cũng chính là nợ xấu của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô bất ổn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng ngàn DN phá sản, trong khi hệ số đi vay nợ NH bình quân của DN đã là gần 2 lần, nhiều DN vay gấp tới 10 lần vốn tự có... Đây là nguyên nhân chính yếu gây ra nợ xấu của TCTD. Bên cạnh đó có những nguyên nhân chủ quan từ phía TCTD như thẩm định còn sơ sài, việc quản trị yếu kém, đạo đức của một bộ phận cán bộ NH.
“Theo nguyên tắc thị trường, trước tiên nợ xấu phải xử lý bằng chính nguồn dự phòng đã trích của TCTD. Nguồn này đến nay khoảng 90.000 tỉ đồng, về nguyên tắc có thể xử lý được khoảng 60.000 tỉ. Thứ hai, các TCTD thanh lý bán tài sản thế chấp hoặc cùng khách hàng thỏa thuận bán thì nguồn thu về cũng là từ người có nhu cầu mua của nền kinh tế; sau cùng mới dùng nguồn từ NHNN.
Cuối năm 2012, NHNN đã trình Bộ Chính trị và Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD, trong đó có Đề án thành lập công ty quản lý tài sản. Theo đó, nợ xấu của TCTD sẽ được xử lý thông qua TCTD trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; xử lý tài sản đảm bảo; bán nợ; cơ cấu lại nợ; bán nợ cho công ty quản lý tài sản... Đồng thời Chính phủ sẽ có các giải pháp thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, phát triển thị trường bất động sản... nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu của NH. Công ty quản lý tài sản sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2013 tạo thêm công cụ quan trọng xử lý nợ xấu của hệ thống NH”, Thống đốc Bình cho biết.
Anh Vũ
Bộ trưởng Bộ Y tế: Dẹp phong bì
Tại Diễn đàn Quốc gia về chất lượng bệnh viện tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Bệnh nhân phàn nàn nhiều ở bộ phận làm thủ tục giấy tờ, phàn nàn về thái độ của nhân viên y tế, đặc biệt là với những người thực hiện y lệnh, nơi tiếp đón, hướng dẫn làm thủ tục hành chính. Có nơi bệnh nhân phải qua cả chục bước làm thủ tục khi đi khám, chữa bệnh. Sẽ phát động một phong trào trong toàn ngành nhân viên y tế cương quyết không nhận phong bì, bệnh nhân và người nhà cũng không đưa phong bì. Chấm dứt tình trạng vào viện công phải lo cái nọ cái kia để bôi trơn. Phải thay đổi chân dung người thầy thuốc để nâng cao vị thế của ngành, thay đổi diện mạo bệnh viện công trên toàn đất nước”.
L.Châu
>> Cho vay ưu đãi mua nhà xã hội
>> Tập trung xử lý nợ xấu
>> Bệnh viện mở sổ vàng để trừ nạn “phong bì”
>> Y đức, "phong bì" trong ngành y tế làm "nóng" nghị trường
Bình luận (0)