Theo bà Lan, thành công trong việc huy động, tổng hợp nguồn lực và chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 gắn với Quỹ Vắc xin là 2 yếu tố tiên quyết đã góp phần quan trọng cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nói về hạn chế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do tính chất vô cùng phức tạp, khó dự báo và chưa có tiền lệ của bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước.
ĐBQH Dương Văn Phước: "Dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa tiền lệ, áp dụng luật thời bình thật không công bằng"
Chia sẻ kiến nghị của các đại biểu chuyển Covid-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B, Bộ trưởng Lan cho biết, ngày 5.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tham khảo kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
"Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19 căn cứ vào các quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, theo dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, tập trung bàn các nội dung liên quan", bà Lan nói.
Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 và đề xuất đưa vắc xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của WHO.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mua sắm, đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành rất nhiều văn bản và trình Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội luật Đấu thầu, luật Giá. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình luật Dược (sửa đổi), luật Bảo hiểm y tế, luật Phòng bệnh...
Riêng với chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, năm 2018, WHO đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi. Mạng lưới y tế cơ sở là then chốt để đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về y tế công cộng với các chỉ số sức khỏe cao hơn các quốc gia khác có cùng trình độ phát triển.
Để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng, Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ về xây dựng chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình huống mới, làm sao phục vụ cho nhu cầu tăng cường, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Hồ sơ này cũng đang được chuẩn bị trình Ban Bí thư để họp và thông qua vào tháng 6 với rất nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện...
Bình luận (0)