Bên lề dịp họp Đại hội đồng năm nay của LHQ, nhóm Bộ Tứ lại gặp nhau. Thông lệ này đã hình thành và được duy trì vài năm trở lại đây. Nhưng cuộc gặp vào ngày 21.9 tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Úc Anthony Albanese lại diễn ra vào thời điểm và trong bối cảnh rất đặc biệt nên có ý nghĩa và tác động đặc biệt đối với nhóm Bộ Tứ.
Nước Mỹ sắp có cuộc bầu cử và nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ là cựu Tổng thống Donald Trump hoặc Phó tổng thống đương nhiệm Kamala Harris. Đây sẽ cuộc gặp cấp cao cuối cùng của Bộ Tứ dưới thời ông Biden. Cả ông Kishida cũng vậy vì ông sẽ không còn là chủ tịch đảng cầm quyền ở Nhật Bản.
Một nửa Bộ Tứ sẽ có lãnh đạo mới và không ai biết hai người mới sẽ như thế nào với tương lai của nhóm. Hai người mới ở Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ không biến nhóm Bộ Tứ trở nên hữu danh vô thực, nhưng câu hỏi được đặt ra và không ai dám chắc câu trả lời là liệu hai người mới có dành cho công chuyện của nhóm Bộ Tứ sự quan tâm và ưu tiên chính sách cao như ông Biden và ông Kishida hay không.
Ông Biden nổi trội hơn những người tiền nhiệm về mức độ can dự của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đã đóng góp rất quyết định vào việc nâng cao vị thế, vai trò và ảnh hưởng của khuôn khổ diễn đàn Bộ Tứ. Vì thế, cuộc gặp cấp cao tới đây của nhóm này được tổ chức ở thành phố quê hương của ông Biden để đề cao vai trò cá nhân của tổng thống Mỹ và khắc sâu thêm dấu ấn cá nhân của ông trong nhóm. Đồng thời, sứ mệnh chính khác nữa của sự kiện này là chuẩn bị nhóm cho thời kỳ bất định sắp tới, tạo nhiều những sự đã rồi để thành quả của nhóm Bộ Tứ không bị suy suyển khi nhân sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi tổng thống Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc nêu 4 lằn ranh đỏ trong quan hệ Mỹ-Trung
Bình luận (0)