Bộ Tư pháp kiến nghị gì với Thủ tướng sau vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm?

Thái Sơn
Thái Sơn
12/03/2022 12:54 GMT+7

Cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất khắc phục tình trạng trả giá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ, gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản , như vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM.

Từ vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm đã phát sinh nhiều vấn đề về pháp luật và thực tiễn

NGỌC DƯƠNG

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai.

Cụ thể, tại điều 8 luật Đấu giá tài sản quy định giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Đối với quyền sử dụng đất, luật Đất đai, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đất đai, Nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và các nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Do đó, việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Đấu giá tài sản. Chỉ thị số 40/2021 của Thủ tướng về tăng cường quản lý nhà nước về đấu giá tài sản đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, điều kiện ở địa phương.

Về điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, Bộ Tư pháp phân tích, hiện nay luật Đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá; còn tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) mang tính đặc thù đối với tài sản đó, do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định. Do đó, không có cơ sở để sửa đổi, bổ sung luật Đấu giá tài sản đối với những nội dung này.

Chưa có quy định cấm người tham gia đấu giá bỏ cọc

Theo Bộ Tư pháp, luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5 - 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Hiện nay, có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá và thực tiễn đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá.

"Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá. Thông lệ quốc tế trong hoạt động đấu giá tại một số nước thì doanh nghiệp tham đấu giá không phải nộp khoản tiền đặt trước mà chủ yếu dựa vào uy tín của doanh nghiệp đó và pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá", Báo cáo Bộ Tư pháp nêu, đồng thời cho biết, trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Nghị định số 22/2012 của Chính phủ trong lĩnh vực này đã quy định chế tài cấm tham gia đấu giá có thời hạn đối với cá nhân, tổ chức đấu giá trúng mà từ chối nhận kết quả. Tuy nhiên, đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Luật chung nhưng áp dụng mỗi nơi một kiểu

Qua rà soát, Bộ Tư pháp cho rằng, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Điều đó dẫn đến cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh.

Cụ thể, một số địa phương đang căn cứ khoản 21 điều 1 Nghị định 148/2020 (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng) để ban hành phương án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có quy định việc nộp tiền trúng đấu giá theo các thời hạn khác nhau: Thanh Hóa, Ninh Bình… quy định người trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá trong 30 ngày, còn Vĩnh Phúc quy định là 20 ngày.

Một số địa phương khác lại căn cứ điều 18 Nghị định 126/2020 hướng dẫn luật Quản lý thuế (do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng) để thông báo thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 90 ngày (Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM).

Ngoài ra, một số tỉnh lại căn cứ theo đối tượng: đối với cá nhân, hộ gia đình thì thời hạn nộp tiền trúng đấu giá là 30 ngày, đối với doanh nghiệp là 90 ngày như Hà Nam…

Bổ sung chế tài khi doanh nghiệp "quay xe"

Từ kết quả rà soát trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng giao giao Bộ TN-MT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá và chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm đấu giá.

Giao UBND các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo người có tài sản đấu giá tại địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, giám sát quá trình bán hồ sơ; thẩm tra, đánh giá các điều kiện năng lực người tham gia đấu giá… bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của luật Đấu giá tài sản.

Bộ Tư pháp cũng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 62/2017 quy định biện pháp thi hành luật Đấu giá tài sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức bán đấu giá tài sản để đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.