Nhiều địa phương có kết quả trúng đấu giá đất không quá cao so với khởi điểm
Bộ Xây dựng mới có báo cáo Thủ tướng về tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản.
Có tình trạng thông đồng giữa tổ chức định giá đất và bên tham gia đấu giá đất để dìm giá, gây thất thoát nguồn thu ngân sách |
lê quân |
Cụ thể, cuối tháng 12.2021, Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng đã chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.
Hai bộ kiến nghị Thủ tướng xử lý vụ đấu thầu, thổi giá đất |
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) trao đổi, đánh giá sơ bộ về các quy định pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất cũng như nhận định một số ảnh hưởng, tác động và nghiên cứu hướng đề xuất giải quyết đối với trường hợp có kết quả trúng đấu giá bất thường.
Kết quả rà soát, đánh giá, Bộ Xây dựng nhận thấy, các địa phương đã đẩy mạnh áp dụng hình thức đấu giá để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Đồng thời, tạo sự bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Kết quả trúng đấu giá bình quân ở nhiều địa phương không quá cao so với giá khởi điểm: Cần Thơ tối đa cao hơn 53%, Đồng Tháp tối đa cao hơn 24%, Bến Tre bình quân cao hơn 20%, Đắk Nông tối đa cao hơn 50%, Tuyên Quang bình quân cao hơn 34,4%, Phú Yên tối đa cao hơn 17%, Sơn La tối đa cao hơn 85,68%, Lai Châu cao hơn khoảng 20%...
Hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất cũng còn tồn tại nhiều tiêu cực. Đơn cử, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt là đấu giá đất ở tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Theo Bộ Xây dựng, sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, thị trường bất động sản ở Thủ Thiêm, TP.HCM đã ổn định trở lại |
Ngọc Dương |
Có tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá” (ví dụ đấu giá quyền sử dụng đất tại Thái Bình năm 2020; tại H.Đông Anh, Hà Nội năm 2021).
Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.
Bộ Xây dựng cho rằng, một số ít trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và cũng có tác động đến thị trường bất động sản khu vực.
Cụ thể với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm.
Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất này, giá giao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm sau thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã đồng loạt tăng. Tuy nhiên, ghi nhận giao dịch rất ít. Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại.
Bình luận (0)