|
NATO đang tiến hành cuộc tập trận mang tên Steadfast Jazz ở Ba Lan và Latvia từ ngày 2 - 9.11 với sự tham gia của hơn 7.000 binh sĩ cùng hàng loạt xe thiết giáp, chiến đấu cơ và tàu chiến. Theo AFP, NATO tuyên bố mục đích tập trận là đảm bảo khả năng phối hợp triển khai lực lượng ở mọi mặt trận. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá việc Steadfast Jazz diễn ra ở gần Nga cho thấy NATO muốn “dằn mặt” chiến lược tăng cường vũ trang hiện nay của Moscow. Vì thế, tuy Nga đã gửi quan sát viên đến theo dõi cuộc tập trận theo lời mời của NATO, nhưng Bộ Quốc phòng nước này cảnh báo cuộc tập trận “gợi nhớ đến Chiến tranh lạnh” và có thể đẩy quan hệ 2 phía vào vòng căng thẳng mới.
Cảnh báo trên không hẳn là “nói chơi”, bởi đúng 30 năm trước, một cuộc tập trận của NATO đã đẩy thế giới đến bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Theo các tài liệu vừa được giải mật tại Anh và Mỹ, cuộc tập trận Able Archer 83 từ ngày 2 đến 11.11.1983 thật đến mức khiến người Liên Xô tin rằng họ sắp hứng chịu tấn công hạt nhân.
Diễn như thật
Theo tài liệu do sử gia Nate Jones thuộc ĐH George Washington (Mỹ) thu thập và đăng tải trên tạp chí Foreign Policy, Able Archer 83 quy tụ 40.000 binh sĩ xoay quanh kịch bản Quân Xanh (NATO) đối đầu với Quân Cam (Khối Warsaw). Kịch bản dựng nên tình huống bất ổn ở Đông và Trung u dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Nam Tư, buộc nước này phải cầu cứu phương Tây. Lập tức, Quân Cam tràn vào Nam Tư rồi tiến hành xâm lược Na Uy, Hy Lạp và có thể vươn tới tận Tây Đức. Quân Xanh nhanh chóng đáp trả bằng không quân cùng bộ binh rồi cuộc chiến leo thang với vũ khí hóa học lẫn vũ khí hạt nhân.
Theo các hồ sơ, Able Archer 83 diễn ra vô cùng rầm rộ với một loạt căn cứ không quân của Anh, bao gồm Greenham Comnmon, Brize Norton và Mildenhall được sử dụng. Xe tăng, chiến đấu cơ và bộ binh mang mặt nạ phòng độc xuất hiện liên tục tại các khu vực gần biên giới các nước Đông u. Chưa hết, NATO “diễn xuất như thật” khi báo động hạt nhân được nâng lên mức nghiêm trọng nhất, những lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl đều tham gia diễn tập trú ẩn, chỉ huy. Bên cạnh đó, Anh và Mỹ liên tục gửi liên lạc mã hóa cho nhau về tình hình chiến sự.
Đáng chú ý, năm 1983 được đánh giá là đỉnh điểm căng thẳng của Chiến tranh lạnh, xuất phát từ chính sách chống Liên Xô quyết liệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và thái độ cứng rắn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov. Ngày 1.9.1983, một máy bay của hãng Korean Airlines đi từ New York đến Seoul bị bắn hạ gần bán đảo Sakhalin, làm toàn bộ 269 người trên khoang, gồm cả một hạ nghị sĩ Mỹ thiệt mạng, theo hãng tin AAP. Moscow cáo buộc chiếc Boeing 747 là máy bay do thám và xâm phạm vùng trời Liên Xô. Đến ngày 26.9 cùng năm, ban lãnh đạo Liên Xô rúng động khi một vệ tinh do thám báo động việc tên lửa liên lục địa được phóng từ phía Mỹ. Tuy nhiên, sĩ quan trực chiến là Stanislav Petrov phát hiện đây chỉ là nhầm lẫn do trục trặc kỹ thuật.
Tiến sát chiến tranh hạt nhân
Trong bối cảnh đó, cộng với tính chất “như thật” của Able Archer 83, nhiều lãnh đạo cao cấp ở Moscow tin rằng cuộc tập trận là bước chuẩn bị để NATO tiến hành tấn công. Hành động ứng phó nhanh chóng được triển khai: lực lượng tại Đông Đức và Ba Lan nhận lệnh gắn vũ khí hạt nhân lên hơn một chục máy bay, khoảng 70 tên lửa SS-20 được đặt trong tình trạng báo động cao trong khi các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân nằm sẵn tại Bắc cực. “Không khí cực kỳ căng thẳng và thậm chí các lãnh đạo cấp cao liên tục thảo luận về việc có nên ra tay trước hay không”, hồ sơ của Lầu Năm Góc dẫn lời một cựu sĩ quan Liên Xô giấu tên tiết lộ hồi cuối thập niên 1980. Ngược lại, các điệp viên của KGB và những thành viên khác thuộc Khối Warsaw đang hoạt động ngầm ở phương Tây lại khẳng định rằng không có mối đe dọa tức thời nào hết. Tuy nhiên, các báo cáo của họ gửi về nước hầu như đều bị cấp trên gạt bỏ.
May mắn cho nhân loại là đã không có đầu đạn nào được phóng đi và Liên Xô cũng “dỡ súng” sau khi Able Archer 83 kết thúc vào ngày 11.11.1983. Do các hồ sơ vẫn chưa được giải mật đầy đủ nên các chuyên gia vẫn còn tranh cãi lý do Moscow không quyết định ra tay trước. Trước khi qua đời năm 2011, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga Vitaly Shlykov khẳng định “đạn đã lên nòng” và chỉ vì trục trặc kỹ thuật nên thế giới mới tránh được thảm họa. Ngược lại, nhiều sử gia phương Tây cho rằng Bộ Chính trị Liên Xô kịp thời được báo động về sự nhẫm lẫn tai hại nói trên.
Về phía phương Tây, ban đầu NATO cho rằng các hành động của Liên Xô chỉ nhằm tập trận phản ứng. Tuy nhiên, tờ The Guardian dẫn tài liệu vừa giải mật của chính phủ Anh cho thấy Thủ tướng Thatcher và Tổng thống Reagan đã “hết hồn” khi được giới tình báo cho biết Liên Xô thật sự hiểu nhầm mục đích của Able Archer 83 và đã chuẩn bị cho chiến tranh. Sau đó, London đề xuất NATO thường xuyên thông báo cho Moscow về các hoạt động tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân, còn ông Reagan bắt đầu thúc đẩy quan hệ hòa dịu hơn với Liên Xô.
Theo giới quan sát, tuy ít người biết đến nhưng giai đoạn tháng 11.1983 là thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh kể từ sau Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. “Nhiều người thường mô tả Chiến tranh lạnh là một sự cân bằng thế lực ổn định giữa Đông và Tây, nhưng vụ Able Archer 83 cho thấy đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm”, The Guardian dẫn lời chuyên gia Peter Burt nói còn ông Nate Jones kết luận: “Bài học rút ra là không thể có được chính sách vũ khí hạt nhân an toàn tuyệt đối vì nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai luôn hiển hiện”.
Trùng Quang
>> Triều Tiên sẵn sàng cho cuộc chiến tranh hạt nhân
>> Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân
>> Bình Nhưỡng cảnh báo chiến tranh hạt nhân
>> Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang gia tăng
>> Liệu chiến tranh hạt nhân có xảy ra trong 6 ngày tới?
>> Kịch bản giả tưởng của quân đội Mỹ: Bùng nổ chiến tranh hạt nhân, Nga đầu hàng Mỹ!
Bình luận (0)