Bộ Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc di dời cơ quan khỏi nội thành Hà Nội

Lê Quân
Lê Quân
03/07/2022 10:07 GMT+7

Tại cuộc họp báo chiều 1.7, Hà Nội nói Bộ Xây dựng chậm di dời các cơ quan khỏi nội thành, đấy là 1 phần gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, Bộ này đã thực hiện nhiệm vụ được phân công và nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, địa phương.

Bộ Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc các cơ quan T.Ư và TP.Hà Nội

Theo Bộ Xây dựng, căn cứ luật Thủ đô 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23.1.2015 (Quyết định 30) về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tại cuộc họp báo chiều 1.7

lê quân

Quyết định 30 quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND TP.Hà Nội.

Cụ thể, Bộ Xây dựng: lập danh mục, cụ thể hoá tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan T.Ư), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý và xây dựng theo quy hoạch; phối hợp với UBND TP.Hà Nội, các Bộ ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô có liên quan quá trình thực hiện việc di dời.

Bộ Tài chính xây dựng cơ chế chính sách về tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất có hiệu quả, đảm bảo theo tiến độ và lộ trình di dời của thành phố Hà Nội và từng bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất phương án tài chính để đầu tư xây dựng trụ sở các bộ, ngành tại địa điểm mới bảo đảm tính khả thi.

“UBND TP.Hà Nội được giao tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời; đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời”.

Cũng tại cuộc họp báo chiều 1.7, Hà Nội cho rằng Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng có nhiều điểm "chưa thoả đáng"

lê quân

Sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan T.Ư thuộc đối tượng quy hoạch: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan T.Ư các đoàn thể để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Đến nay đã hoàn thành tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các bộ ngành T.Ư tại khu vực tây Hồ Tây. Ngày 20.8.2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có quyết định công bố kết quả cuộc thi tuyển.

Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ ngành T.Ư. Dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022, làm cơ sở triển khai các bước đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

“Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tổ chức di dời theo quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có văn bản, nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành T.Ư và Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ được giao”, Bộ Xây dựng cho biết.

Hà Nội nói Bộ Xây dựng chậm di dời các cơ quan T.Ư ra khỏi nội thành

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 1.7, khi trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã trao đổi về tình hình ùn tắc giao thông tại các tuyến đường hướng vào trung tâm TP.Hà Nội.

Theo ông Tuyến, nhiều tuyến đường hướng vào trung tâm TP.Hà Nội không có nhiều nhà cao tầng như tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu nhưng vẫn ùn tắc vào đầu giờ sáng, cuối giờ chiều. Ví dụ như đường 5, đường 32, đường 6… Cũng theo ông Tuyến, lưu lượng giao thông tăng đột biến ở đầu sáng, cuối chiều. Điều đó chứng tỏ lượng phương tiện giao thông ngoại thành vào thành phố rất lớn.

Ông Tuyến cũng cho rằng: “Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời các cơ quan ra ngoài thành phố này, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Do vậy, việc các cơ quan chưa di dời cũng là một trong các nguyên nhân gây ùn tắc các trục đường hướng tâm, trong đó có đường Lê Văn Lương - Tố Hữu”, ông Tuyến nói và cho biết, trong đợt tổng kết thực hiện luật Thủ đô lần tới, thành phố sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan T.Ư khẩn trương di dời ra ngoại thành, bàn giao quỹ đất cho TP.Hà Nội.

Cũng theo ông Tuyến, TP.Hà Nội đang rất tích cực giãn các cơ quan ra ngoại thành để giảm tải cho nội thành. Tuy nhiên, còn rất nhiều cơ quan T.Ư thì TP.Hà Nội không thể làm được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.