Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc về định mức đơn giá cho các dự án xây dựng

05/04/2022 12:00 GMT+7

Đẩy mạnh đầu tư công nhưng không ít công trình bị “tắc”, nguyên nhân được cho là thiếu định mức đơn giá dù đã có hơn 34.000 định mức. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh chia sẻ với Thanh Niên xung quanh câu chuyện này.

Định mức nhiều nhưng vẫn thiếu?

* Hiện nay dù đã có tổng số lượng hơn 34.000 định mức, giá xây dựng nhưng vẫn có tình trạng phản ánh thiếu định mức, hoặc định mức không phù hợp, gây khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng. Thứ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Công trình xây dựng gặp khó liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng

đan hạ

- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh: Đến nay, tổng số định mức được ban hành theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là khoảng 34.000 định mức, trong đó Bộ Xây dựng ban hành khoảng 15.000 định mức cho hầu hết công tác xây dựng áp dụng chung, với các công nghệ, biện pháp thi công được sử dụng phổ biến trong nước và quốc tế.

Qua rà soát, các cơ quan quản lý Nhà nước đã loại bỏ các định mức lạc hậu, điều chỉnh, bổ sung nhiều định mức mới, sát hơn với các yêu cầu thực tiễn.

Thời gian qua, ở một số dự án, công trình, công tác xây dựng còn thiếu định mức hoặc định mức ban hành chưa phù hợp, nhất là đối với công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

Riêng lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, qua thống kê cho thấy, hiện có khoảng 32 công tác xây dựng thiếu định mức ban hành, chủ yếu tập trung vào nhóm các công tác xây dựng cầu dây văng, đắp nền đường bằng các vật liệu mới…

Một số công tác xây dựng đã ban hành định mức nhưng có yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công khác với phương pháp đã quy định ở các định mức hiện tại. Một số trường hợp định mức ban hành chưa phù hợp phần lớn là do trong thực tế nhiều công trình, dự án thi công đã có yêu cầu thiết kế, biện pháp thi công, điều kiện thi công khác với quy định ở các định mức hiện tại. Một số trường hợp định mức ban hành chưa phù hợp phần lớn là do trong thực tế nhiều công trình, dự án thi công đã có yêu cầu thiết kế, biện pháp thi công, điều kiện thi công khác với quy định trong định mức.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bổ sung, sửa đổi định mức còn thiếu, chưa phù hợp

đan hạ

* Bộ Xây dựng có những giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc về định mức để hỗ trợ các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư xây dựng?

- Vấn đề vướng mắc còn lại trong thực tế hiện nay là các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn lúng túng, có phần thiếu kinh nghiệm trong thực hiện xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh theo phương pháp đã được hướng dẫn.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên môn để các chủ thể nắm vững các nội dung hướng dẫn xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh theo phương pháp Bộ Xây dựng ban hành để giúp các chủ thể chủ động áp dụng trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng.

Bộ Xây dựng cũng tiếp tục khẩn trương xác định việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức phù hợp với thực tiễn, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các nhà đầu tư, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn phối hợp cung cấp thông tin về các định mức chưa phù hợp và các số liệu tại các dự án, công trình để Bộ Xây dựng có cơ sở nghiên cứu, rà soát và hướng dẫn kịp thời.

Đối với lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, Bộ Xây dựng sẽ giao cho Cục Kinh tế xây dựng và các cơ quan chuyên môn cùng với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải, UBND các địa phương trong việc tổ chức xây dựng các định mức còn thiếu hoặc sửa đổi các định mức chưa phù hợp.

Đồng thời nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu cấp bách trong đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát, đánh giá xem xét sự tương đồng về các điều kiện áp dụng định mức ở các công trình đã thực hiện và quyết định ban hành áp dụng cho các dự án thành phần thuộc dự án. Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Thông tư 13/2021/TT-BXD đã quy định rõ các vấn đề này.

Ứng phó ra sao khi giá vật liệu liên tục tăng cao?

* Bộ có những hướng dẫn, khuyến nghị gì đối với các địa phương để có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trước bối cảnh thị trường xây dựng, giá vật liệu xây dựng đang tăng cao - một trong những nguyên nhân khiến công trình vướng mắc?

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh khẳng định Bộ Xây dựng sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương về định mức, đơn giá xây dựng

đan hạ

- Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 959/BXD-KTXD, ngày 23/3/2022 đôn đốc, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện các giải pháp quản lý của nhà nước tại địa phương nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá. Trước đó, ngày 10/5/2021, Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Bộ cũng đã thành lập Tổ theo dõi thông tin thị trường giá xây dựng, bất động sản, dịch vụ hạ tầng đô thị để kịp thời tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng và dự báo các kịch bản trong trường hợp biến động giá vật liệu làm cơ sở tham mưu các cơ chế, chính sách và công tác điều hành của Chính phủ,

Bộ cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xác định và kiểm soát chặt chẽ giá các thiết bị, vật liệu xây dựng trong quá trình lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với yêu cầu của thị trường, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra vi phạm trong việc xác định giá vật liệu, thiết bị, ảnh hưởng đến chi phí, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Hiện nay, theo quy định lập và quản lý chi phí, việc xác định giá vật liệu đến chân công trình, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu, dự án do chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện trên cơ sở thông tin cụ thể của dự án, công trình. Các địa phương xác định và công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh (chung hoặc theo các khu vực); tổ chức xác định và công bố chỉ số giá xây dựng của các loại công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Việc các địa phương thực hiện xác định, công bố giá vật liệu đến chân công trình, chỉ số giá cho từng gói thầu, dự án theo Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 đang có vướng mắc, cần có giải pháp để thực hiện.

Bộ Xây dựng đã giao Cục Kinh tế xây dựng và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu giải pháp về tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thuận tiện, không chồng chéo gây vướng mắc. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tôi muốn nhấn mạnh lại: Bộ Xây dựng luôn luôn chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu, phân tích khoa học các vấn đề, cũng như làm rõ thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau tháo gỡ sớm nhất.

Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, tham mưu cho Bộ giải pháp để kịp thời tháo gỡ. Các giải pháp phải đồng bộ đồng, bộ thống nhất theo quy định pháp luật. Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị các Bộ quản lý công trình chuyên ngành, các địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Bộ Xây dựng sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các bộ, địa phương gỡ vướng.

Đối với các vấn đề vấn đề vượt thẩm quyền của các bộ, địa phương, Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu hướng đến là ngành Xây dựng không ngừng hoàn thiện hệ thống thể chế nhằm phục vụ tốt hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, tuân thủ tốt hơn các quy luật kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng nhất là đối với các dự án đầu tư công, góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.