Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: khó nhất là xác định hệ số đền bù

Lê Quân
Lê Quân
31/03/2022 18:41 GMT+7

TP.Hà Nội đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, nhưng vấn đề khó nhất là xác định hệ số đền bù và chọn nhà đầu tư.

Chung cư nhiều, mới cải tạo ít

Ngày 31.3, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn quy định Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết cải tạo chung cư xuống cấp nguy hiểm là vấn đề được đặt ra nhiều năm qua nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu.

Khu chung cư cũ Thành Công ở Q.Ba Đình sẽ được lựa chọn để cải tạo trước, trong giai đoạn 2021 - 2025

lê quân

Qua thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ có quy mô từ 2 - 6 tầng, chủ yếu xây dựng từ những năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…

Hiện có khoảng 200 nhà chung cư cũ xác định ở mức độ nguy hiểm cấp C; 137 nhà cấp B; và 7 nhà thuộc diện cấp D (đặc biệt nguy hiểm). Tuy nhiên, từ năm 2007, TP.Hà Nội mới chỉ cải tạo được 18 nhà chung cư cũ.

Cuối năm 2021, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ lựa chọn 10 khu chung cư cũ để cải tạo gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân; và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp (P.Cống Vị, Q.Ba Đình).

Trong đó, đợt 1 sẽ ưu tiên cải tạo các khu chung cư cũ ở Giảng Võ, Thanh Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp với kinh phí dự kiến hơn 60.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá chỉ nhìn vào các con số đã thấy khối lượng công việc rất lớn, nhiệm vụ rất khó khăn. Để hoàn thành, các sở, ngành, UBND các địa phương nơi có chung cư cũ cần tập trung chỉ đạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo.

Khó nhất là xác định hệ số đền bù và lựa chọn nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng cần để người dân, các đối tượng liên quan hiểu rõ các quy định trong Nghị định 69 của Chính phủ, tạo đồng thuận khi triển khai.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

đan hạ

Theo ông Khởi, điểm mấu chốt cần hiểu là quy định về các trường hợp nhà chung cư cũ phải phá dỡ để xây dựng lại. Trong đó, làm rõ trường hợp các nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ, hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở.

Trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp mà chưa có trong kế hoạch cải tạo, xây dựng chưa được phê duyệt, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thực hiện ngay việc di dời các hộ gia đình, sau đó bổ sung vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại của địa phương.

Cũng theo ông Khởi, vấn đề khó nhất trong công cuộc tái thiết nhà chung cư cũ ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác là xác định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng. Vấn đề khó tiếp theo là lựa chọn nhà đầu tư. Không thể lựa chọn vội vã, nhanh chóng mà phải từng bước triển khai theo các giai đoạn, vừa làm vừa hoàn thiện, đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Các quận, huyện có liên quan phải phối hợp với Sở Xây dựng để xác định khu vực nào cần làm trước, khu nào làm sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.