Đoàn giám sát của Quốc hội vừa báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Đến hết năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc, tỷ lệ tử vong 0,4%.
Đáng chú ý, đoàn giám sát chỉ ra đại dịch Covid-19 đã phơi bày những yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế.
Khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân; còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế; vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.
Trong đó, tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%.
Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10 - 20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ cho điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn. Trạm y tế xã không là đơn vị hạch toán độc lập mà hạch toán phụ thuộc y tế tuyến huyện trong khi lại chưa có quy định cụ thể về chi tiêu tại y tế xã.
Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ T.Ư đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu khoảng 23.800 người. Trong đó, bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4.000 người.
Nhiều địa phương báo cáo thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thực hiện các dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Việt Nam xem xét công bố hết dịch Covid-19
Thu nhập, đãi ngộ quá thấp
Hệ lụy là tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Trong 4 năm từ 2018 - 2021, tổng số bác sĩ xã giảm là 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019).
Theo đoàn giám sát, có nhiều nguyên nhân, trong đó thu nhập và chế độ đãi ngộ quá thấp, lại chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh, nên cán bộ khó chuyên tâm công tác. Mức hỗ trợ cho y tế thôn, bản chỉ bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương cơ sở (tương đương 447.000 và 745.000 đồng), không khuyến khích được họ duy trì công việc và là nguyên nhân chính người làm công tác y tế dự phòng chuyển công tác, xin nghỉ việc ngày càng tăng.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đề nghị Chính phủ chậm nhất năm 2025, trình Quốc hội các dự án luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp.
Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản về mua sắm, đấu thầu, đặc biệt về thuê tài sản, cung cấp thiết bị y tế sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm; nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27/2018 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng xem xét, ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh từng vùng, từng địa phương tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực.
Quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng y tế cơ sở thay vì chỉ tập trung đầu tư xây mới bệnh viện; phát triển mô hình bác sĩ gia đình, huy động sự tham gia của y tế tư nhân góp phần giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên.
Bình luận (0)