Bộ Y tế tinh giản hơn 100 cán bộ lãnh đạo cấp phòng

Liên Châu
Liên Châu
24/07/2019 16:23 GMT+7

Từ năm 2016 đến nay, số lượng phòng trong các vụ, cục của Bộ Y tế được sắp xếp, thu gọn từ 94 xuống còn 59 phòng (giảm được 35 phòng, tương đương 37,2% và giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng).

Thông tin trên được ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết tại hội nghị công tác tổ chức cán bộ ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức trong hai ngày 24-25.7 tại Quảng Ninh.
Báo cáo tại hội nghị chiều này, ông Phạm Văn Tác cho hay từ năm 2016 đến nay, ngành Y đã thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy T.Ư gồm bộ máy quản lý hành chính tại Bộ Y tế và khối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.
Số lượng phòng trong các vụ, cục của Bộ được sắp xếp, thu gọn từ 94 xuống còn 59 phòng (giảm được 35 phòng, tương đương 37,2% và giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng).
Bộ Y tế hiện có 82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế, thời gian tới, Bộ này sẽ chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các trường đại học Y, dược và một số bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện hạng đặc biệt.
Dự kiến, khi thực hiện lộ trình trên, Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng cần đạt tiêu chí ít nhất 1/1,5 đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh

Ảnh Thanh Xuân

Về quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, vị trí việc làm Bộ Y tế đã thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015.
Hằng năm, các đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số biên chế công chức đã giảm (do thực hiện chính sách tinh giản biên chế và do nghỉ hưu, thôi việc).
Ông Tác cho hay, số lượng người làm việc có mặt đến 31.12.2018 là 19.829 viên chức, 1.351 hợp đồng lao động.

Giảm nhân lực nhưng không giảm chất lượng điều trị

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, trong các bệnh viện, nếu giảm biên chế với yêu cầu mỗi năm giảm 10% thì sẽ nguy cơ thiếu hụt người làm, trong khi tỷ lệ bác sĩ/ bệnh nhân, bác sĩ/ điều dưỡng vẫn cần phải nâng lên để đảm bảo chất lượng điều trị và tiến tới chăm sóc toàn diện. Do đó, dù tự chủ nhưng cũng không được cắt giảm nhân lực làm chuyên môn, cần đạt ít nhất 1 bác sĩ/1,5 điều dưỡng.
“Chúng ta cắt giảm nhân lực nhưng không cắt giảm nhân lực khám chữa bệnh cho người bệnh; tiết kiệm chi phí nhưng không tiết kiệm chi phí cho sức khỏe người bệnh", bà Tiến khẳng định.
Ông Tác đánh giá, tới đây khi 4 bệnh viện của Bộ Y tế thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn sẽ giúp giảm được 1.200 tỉ đồng mỗi năm từ ngân sách.
Nhưng tự chủ tài chính vẫn phải đảm bảo duy trì đúng các yêu cầu về chất lượng điều trị, với các tiêu chí: nhân lực phù hợp với giường bệnh, với số lượng bệnh nhân.
Năm 2019, có 29 đơn vị (tăng 4 đơn vị so với 2018) tự chủ tài chính đã giảm chi lương từ ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.