Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh khẩn trương ngăn chặn dịch bạch hầu

09/07/2020 11:29 GMT+7

Sáng 9.7, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến Gia Lai, làm việc với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bạch hầu.

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên ghi nhận 26 trường hợp dương tính bệnh bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Chính quyền, ngành y tế các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống như khoanh vùng các ổ dịch, khám sáng lọc, phun hoá chất khử khuẩn…

Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, TP.HCM mời gọi trẻ em tiêm chủng

 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Ngành Y tế thời gian này vừa nỗ lực chống Covid -19 vừa phải chống dịch bệnh bạch hầu đang có xu hướng, diễn biến hết sức phức tạp. Dịch bạch hầu đang có hướng lan rộng. Đoàn công tác của Bộ Y tế nắm diễn biến tình hình dịch bệnh ở các tỉnh để đưa ra các đánh giá khách quan về dịch. Quan điểm của Bộ Y tế là làm sao kiểm soát một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất và kiểm soát toàn diện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để sớm ổn định đời sống người dân”.

 

Bệnh nhân bị bệnh bạch hầu đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện nhi Gia Lai

Ảnh: Trần Hiếu

Theo đại diện của ngành y tế Kon Tum, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh còn phức tạp vì khó triển khai chương trình tiêm chủng, ý thức của người dân còn thấp. Có trường hợp uống thuốc vào rồi nhả ra, nhiều người không chịu uống thuốc.

Vì đâu dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp?

 
Sắp tới, tỉnh Kon Tum sẽ sử dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyên mạnh về bệnh bạch hầu, phát các tờ rơi, tờ gấp đến với bà con. Không chỉ tiếng Việt mà còn cả tiếng dân tộc của người bản địa. Qua đó giúp bà con ý thức, hiểu rõ tác hại của bạch hầu trong cộng đồng.

Những ai ở Tây Nguyên được tiêm phòng bạch hầu?

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại 4 tỉnh Tây Nguyên hiện có 63 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong. Đáng lưu ý có nhiều ca bệnh không phát hiệu triệu chứng nhiễm khuẩn bạch hầu. Điều này cho thấy nguy cơ lây truyền từ người này sang người kia rất dễ dàng.

Theo TS Tấn, một thời gian dài, dịch bệnh bạch hầu không xảy ra nên cán bộ y tế dễ chủ quan, chẩn đoán nhầm với các bệnh thông thường khác. Vì vậy tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế. 

 

Gia Lai liên tiếp phát hiện ca dương tính với bệnh bạch hầu

Ngoài ra, hiện tượng dân di cư, không khai báo, tập quán sinh hoạt cộng đồng gây khó khăn cho công tác tiêm chủng. Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát, cách ly các trường hợp mắc mới, dập dịch triệt để, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Đưa bệnh nhân  sớm đến các cơ sở y tế; khẩn trương rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, tổ chức tiêm chủng mở rộng.

Bệnh bạch hầu là gì và nguy hiểm như thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.