Thế nhưng, chẩn cho đúng bệnh để "bốc thuốc" hỗ trợ cho chính xác, hiệu quả là vấn đề quan trọng để tránh tình trạng giải pháp thì có nhưng khó thì vẫn còn nguyên.
Vào cuộc nhanh nhất, nhiều ngân hàng đã triển khai các gói vay với lãi suất hấp dẫn, ưu đãi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp. Đến thời điểm này, các nhà băng vẫn đang tiếp tục rà soát, tìm hiểu khó khăn cụ thể để có các giải pháp phù hợp. Thực tế lâu nay, mỗi lần kinh tế khó khăn, giải pháp đầu tiên chúng ta thường tính đến là vốn thông qua việc giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy vốn tới tay người dân, doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay, cái khó của doanh nghiệp không phải là vốn mà là thị trường tiêu thụ, là thủ tục hành chính khiến dự án không thể triển khai, là gánh nợ vay và áp lực nộp thuế. Thế nên, giải pháp cũng phải tập trung vào chính sách tài khóa thay vì đặt trọng tâm ở các chính sách tiền tệ.
Như đã nói trên, khó nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là thị trường, nên thiết nghĩ, việc tăng tổng cầu phải được đặt lên hàng đầu. Chính sách thuế lúc này phải làm sao để người dân vẫn chi tiêu thay vì thắt lưng buộc bụng, như vậy mới duy trì sức mua tại thị trường nội địa; chính sách thuế phải làm sao để doanh nghiệp nhẹ gánh hơn, từ đó nỗ lực tìm kiếm nguyên liệu, tìm kiếm thị trường mới, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đóng cửa nghe ngóng... Giãn - giảm - khoanh thuế và giãn, giảm khoanh nợ như thế nào cho phù hợp, cho hiệu quả đang chờ bàn tay điều tiết của Chính phủ.
Đây cũng là thời điểm phải đẩy mạnh đầu tư công, các dự án lớn, trọng điểm đã được phê duyệt cần đẩy nhanh thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng. Một dự án hạ tầng lớn "chạy" tạo ra hàng ngàn, hàng vạn công ăn việc làm; kéo các đơn vị xây dựng, các công ty sản xuất vật liệu, các nhà thầu, các đội thi công, các nhà thiết kế... "chạy" theo. Nếu 10 dự án cùng chạy thì sức lan tỏa sẽ mạnh hơn và nếu hàng trăm dự án cùng chạy thì nền kinh tế sẽ được kích hoạt mạnh mẽ.
Tương tự, đây là thời điểm rất cần chính quyền các địa phương đẩy nhanh việc kiểm tra rà soát các dự án. Dự án nào đủ điều kiện thì công bố công khai để đưa vào hoạt động. Dự án nào chưa đủ thì hướng dẫn, vướng đâu thì gỡ đó, thắt đâu thì cởi đó để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển dự án, chung tay với Chính phủ tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Mấy năm qua, có hàng trăm, hàng ngàn dự án hạ tầng, giao thông, bất động sản... cả vốn công lẫn vốn tư bị đình đốn, chậm trễ. Nếu "tháo" được, không chỉ giải phóng được sức cầu mà còn giải phóng một nguồn vốn khổng lồ đang nằm "chết" ở khắp nơi.
Đến khi dịch bệnh qua đi, lúc đó thì mới là lúc cần nhất dòng vốn mới với lãi suất ưu đãi để người dân, doanh nghiệp "bung sức" đầu tư, kinh doanh, phục hồi sức khỏe, tăng trưởng kinh tế.
Bình luận (0)