KHỔ VÌ ĐỦ CUỘC THI TRÊN MẠNG
Một giáo viên (GV) tên Minh Hào (tên nhân vật đã được thay đổi), dạy tại một trường tiểu học tại Q.12 (TP.HCM), cho biết: "Là GV, tôi hiểu mục đích của các cuộc thi trên mạng là giúp các em học sinh (HS) có cơ hội ôn tập, giải trí, các em tham gia tự nguyện. Đối tượng tham gia là những HS có sở trường, ham thích, cũng như có điều kiện, biết cách sử dụng máy tính. Tôi cũng được biết Bộ GD-ĐT ra văn bản nêu các cuộc thi online chỉ là sân chơi trí tuệ; các trường, đặc biệt là trường tiểu học, không được ép buộc HS tham gia, chỉ tham gia với tinh thần tự nguyện". Tuy nhiên theo GV này, có hiện tượng đánh giá thi đua, công tác chủ nhiệm của GV chủ nhiệm căn cứ vào tỷ lệ HS của lớp tham gia thi các cuộc thi này. Từ đó, có thể ảnh hưởng tới khoản thu nhập tăng thêm của GV (thu nhập theo Nghị quyết số 08/2023 ngày 19.9.2023 của HĐND TP.HCM về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).
GV Minh Hào chia sẻ, khi TP.HCM có các chính sách đặc thù cho GV công lập, trong đó có thu nhập theo Nghị quyết 08, đã giải quyết được nhiều khó khăn cho GV. Tuy nhiên xảy ra tình trạng có hiệu trưởng lấy thi đua, thành tích, kết quả các cuộc thi vào để kiểm soát GV, đánh giá để xét có đủ điều kiện nhận tiền theo Nghị quyết 08 hay không…
GV Minh Hào nói nhiều cuộc thi đang được đưa vào nhà trường như V.O.E; T.N.T.V; T.N.T.T… và các cuộc thi tiếng Anh, tin học trực tuyến khác. Mọi trách nhiệm đổ dồn lên vai GV chủ nhiệm. GV này nêu thực tế: "Ngày các bạn đi thi tiếp vòng trong, GV thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Vì khi HS có thành tích thì GV mới được khen thưởng, mà muốn HS có giải thì GV phải bỏ mặc các HS khác, dồn tâm lực vô nhóm HS đi thi".
"Nói đến các cuộc thi trực tuyến này, những đồng nghiệp mà tôi biết ai cũng thấy mệt mỏi và chán ngán. Riết rồi chính GV còn thấy "bội thực" huống chi HS tiểu học", GV này bộc bạch.
THI TRÊN MẠNG, LÙM XÙM NGOÀI ĐỜI THẬT
Hồi tháng 6.2024, Báo Thanh Niên từng đưa tin một phụ huynh có con học tiểu học tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) phản ánh con mình đạt thành tích xuất sắc vòng chung kết cấp quận cuộc thi Đ.T.V.O.E năm học 2023-2024, xếp hạng bạc vòng chung kết sân chơi T.N.T.T 2023-2024 dành cho HS tiểu học, nhưng không được trường mời lên phát thưởng trong ngày tổng kết năm học. Sau khi phụ huynh có ý kiến, hiệu trưởng mời phụ huynh lên gặp cô thư viện vào sáng 3.6 để nhận phần thưởng cho bé (lúc này HS đã nghỉ hè). Phụ huynh cho rằng "của cho không bằng cách cho", như vậy là không trân trọng sự cố gắng của HS.
Giãi bày với PV Thanh Niên khi đó, hiệu trưởng cho biết các hội thi trực tuyến kể trên phụ thuộc các nơi khác, họ tổ chức, gửi file giấy khen về, trường phải tự in giấy khen. Có thể khi tổ chức tổng kết năm học thì bên đó vẫn chưa có kết quả. Kinh phí cho việc khen thưởng HS được giải ở các cuộc thi trên mạng trên đều là của nhà trường. Ở một số vòng thi phải thi ở phòng máy tính của trường, thì nhà trường cũng phải lo máy tính, GV coi thi, hỗ trợ HS…
Một GV tiểu học tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết trường của cô không ép GV kêu gọi HS tham gia các cuộc thi trực tuyến để tính điểm thi đua, mà HS tham gia tự nguyện. Tuy nhiên, có thực tế là nếu một lớp có nhiều HS tham gia và nhiều HS đạt thành tích cao thì đó cũng là "điểm cộng" cho GV chủ nhiệm khi đánh giá công việc sau một quý, để xét tiền thu nhập tăng thêm (theo Nghị quyết 08). "Không dễ để HS được các giải cao trong các cuộc thi trên mạng. Muốn được giải cao thì các em phải ôn luyện nhiều, phụ huynh HS phải chi tiền mua các khóa học trực tuyến của các công ty trên", cô giáo này nói thêm.
MỆT MỎI VỚI ĐỦ LOẠI HỘI THI VĂN NGHỆ
Sắp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20.11, tuy nhiên khi chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, một số GV tiểu học tại TP.HCM giãi bày: "Chúng tôi bị áp lực vì các hội thi văn nghệ, thể dục thể thao, GV dạy giỏi… đều tập trung đợt này".
12 giờ đêm một ngày đầu tháng 11, một GV tiểu học tại TP.Thủ Đức vẫn chưa xong việc. Ban ngày cô phải lo các tiết mục văn nghệ của HS, GV chuẩn bị cho các hội thi chào mừng ngày 20.11; thi GV giỏi; thi đấu các môn thể thao trong hội thao… Tập hát thì từ 12 - 13 giờ; đội múa thì tập từ 13 - 14 giờ; 14 giờ lại vào tiết dạy. Buổi tối là lúc cô chấm bài kiểm tra giữa kỳ của HS lớp khác, chấm vòng 2 bài kiểm tra giữa kỳ của lớp mình, sắp tới sẽ là nhập thông tin vào hệ thống dữ liệu điện tử… "Tôi rất mệt mỏi, không còn thời gian cho gia đình. Quay như chong chóng với các hoạt động phong trào nên vào tiết học GV cũng rất mệt mỏi. Chúng tôi chỉ mong sao giảm bớt các cuộc thi phong trào, để chuyên tâm làm chuyên môn", cô giáo tâm sự.
NÊN CÂN NHẮC NHỮNG CUỘC THI TRÊN MẠNG
Tháng 6.2024, khi Báo Thanh Niên đăng bài phản ánh việc HS tham gia các cuộc thi trên mạng và được giải nhưng không được khen thưởng ở trường, nhiều bạn đọc gửi ý kiến cho rằng nên bỏ những cuộc thi trên mạng ra khỏi trường học. Tài khoản G9DJZQ8j7xGWagBQVraSnA nêu ý kiến: "Tôi thấy nên bỏ những cuộc thi trên mạng bởi nó không mang tính chất minh bạch, không công bằng với các bé, các bé mua khóa học thì có sẵn đề ôn luyện để làm. Nói những cuộc thi này không có trong Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT, nhưng tại sao khi cuối năm xét HS xuất sắc lại dựa vào thành tích tham gia của các bạn? Ví dụ một HS trong lớp siêng năng cần cù, tuân thủ nội quy của trường lớp, ngoan ngoãn lễ phép, cuối học kỳ 2 các môn vẫn đạt điểm 9, 10 nhưng không được vào danh sách lên nhận phần thưởng vì không tham gia hay tham gia ít các cuộc thi trên mạng. Gia đình không có thời gian, khi con thi, cha mẹ đi làm chưa về thì làm sao có máy để thi? Vậy có công bằng không?".
Bạn đọc G9D... viết: "Tự nguyện, nhưng khi không tham gia thì không được tính thành tích. Cuộc thi này có trong danh sách Bộ GD-ĐT đưa ra không? Vậy tốt nhất nhà trường nên bỏ, không vận động HS tham gia. Năm rồi có một số trường đã bỏ các cuộc thi trên mạng".
Bộ, sở đều yêu cầu tinh giản các cuộc thi
Từ đầu năm học 2024-2025, trong hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các địa phương, các trường học tinh giản các cuộc thi dành cho GV và HS, theo Công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 5.5.2017 của Bộ GD-ĐT. Sau hướng dẫn của Sở, các phòng GD-ĐT quận, huyện trong TP cũng ra văn bản truyền đạt yêu cầu trên tới các trường trong địa phương mình.
Theo Công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH, đối với các cuộc thi dành cho GV và HS tại địa phương, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát, tinh giản. Cụ thể như sở GD-ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của GV và HS; không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia; hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; GV và HS được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí…
Bình luận (0)