“Ý tưởng nghiên cứu này của chúng tôi đã có từ 15 năm trước. Khi tôi nói về nó, mọi người đã cười vì nó có vẻ là một ý tưởng thú vị nhưng cũng có phần kỳ quặc”, ông Gambhir nói. Ngoài là một tiến sĩ, bác sĩ, ông Gambhir còn là nhà khoa học, giáo sư về nghiên cứu ung thư, chủ tịch Khoa X-quang tại Đại học Y Stanford (Mỹ).
Một nghiên cứu thí điểm với 21 người tham gia hiện đã hoàn thành. Gambhir và nhóm nghiên cứu của ông đã biến ý tưởng về một bồn cầu thông minh phục vụ cho các chẩn đoán sức khỏe thành hiện thực. Về hình dạng bên ngoài, bồn cầu thông minh cũng giống như các loại bồn cầu bình thường khác, nhưng bên trong được trang bị công cụ đặc biệt. Công cụ này là một bộ các công nghệ khác nhau sử dụng cảm biến chuyển động để triển khai xét nghiệm tổng hợp đánh giá tình trạng sức khỏe, hoặc phát hiện dấu hiệu bệnh, bao gồm cả một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư tiết niệu. Thiết bị mới này có thể sẽ được chú ý đặc biệt bởi những người có xu hướng di truyền với một số vấn đề sức khỏe nhất định, chẳng hạn như bệnh về đường ruột hoặc suy thận.
Sau khi nhận được mẫu nước tiểu hoặc phân, bồn cầu thông minh sẽ tự động gửi dữ liệu trích xuất đến một hệ thống an toàn dựa trên nền tảng đám mây. Mẫu nước tiểu thu được sẽ trải qua phân tích vật lý và phân tử, trong khi đó mẫu phân sẽ được phân tích dựa trên các đặc điểm vật lý. Ông Gambhir cho biết, trong tương lai hệ thống này có thể được tích hợp vào bất kỳ hệ thống lưu trữ hồ sơ nào của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhằm hỗ trợ việc truy cập thông tin trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Bài viết mô tả chi tiết về nghiên cứu được xuất bản ngày 6.4 trên trên tạp chí Nature Biomedical Engineering. Cùng chia sẻ quyền tác giả chính còn có ông Park Seung-min, tiến sĩ, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp, ông David Won, tiến sĩ y khoa, cựu học giả thỉnh giảng Chương trình Hình ảnh Phân tử tại Đại học Stanford (Mỹ) và tiến sĩ Brian Lee.
Mặc dù được xếp vào cùng loại công nghệ theo dõi sức khỏe như thiết bị đeo tay đồng hồ thông minh, nhưng bồn cầu thông minh lại khác ở chỗ dường như ai cũng có nhu cầu sử dụng nó, nếu có điều kiện. Và điều này nâng cao giá trị của bồn cầu thông minh như một thiết bị phát hiện bệnh. Ông Gambhir hình dung bồn cầu thông minh như một phần không thể thiếu trong phòng vệ sinh của một gia đình trung bình. Để tạo điều kiện cho sự thích ứng rộng rãi, ông Gamblir đã thiết kế khía cạnh “thông minh” của bồn cầu như một tiện tích bổ sung, một thiết bị công nghệ mà người dùng có thể dễ dàng gắn vào bất kỳ chiếc bồn cầu nào. Tuy nhiên, vì là sản phẩm đặc thù nên nó không có nhiều phần mở rộng cho những mục đích khác.
Ông Gamblir cho biết cả hai mẫu nước tiểu và phân đều được ghi nhận trên video, sau đó được xử lý bằng bộ thuật toán có khả năng phân tích niệu động học thông thường, bao gồm tốc độ đường tiểu, tần suất và các thông số khác. Bên cạnh phân tích vật lý, thiết bị thông minh này còn triển khai các dải phân tích nước tiểu để đo tính năng phân tử nhất định. Số lượng bạch cầu, độ ô nhiễm máu nhất định, mức độ protein nhất định và nhiều chỉ số đo lường khác hoàn toàn đủ khả năng để chỉ ra một loạt các loại bệnh. Ở giai đoạn phát triển hiện tại, bồn cầu thông minh có thể đo được 10 dấu ấn sinh học khác nhau. Song, dù vậy vẫn còn sớm để sản phẩm này có được sự đón nhận của người dùng trên phạm vi rộng. Ngoài 21 người tham gia thử nghiệm ban đầu, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thêm 300 người. Khoảng 37% cho biết họ “phần nào thoải mái” với trải nghiệm mới, và 15% nói rằng họ “rất thoải mái”.
Nhận dạng người dùng
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của bồn cầu thông minh là việc nhận dạng người dùng. Nhưng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại vì nó có một hệ thống nhận dạng tích hợp. “Mục đích cuối cùng là cung cấp phản hồi chính xác tình trạng sức khỏe của từng cá nhân riêng biệt, vì vậy chúng tôi cần đảm bảo thiết bị có thể phân biệt được mỗi người dùng khác nhau. Để làm điều đó, chúng tôi đã tạo ra một vòi gạt nước tích hợp khả năng đọc dấu vân tay”, ông Gamblir nói.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhận ra rằng lấy dấu vân tay không phải lúc nào cũng chính xác. Vì biết đâu có trường hợp một người sử dụng bồn cầu, nhưng một người khác xả nước, hoặc biết đâu đó lại là loại bồn cầu tự động xả nước. “Chúng tôi đã thêm một máy quét nhỏ ghi lại hình ảnh hậu môn. Chúng tôi biết điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng cũng như dấu vân tay, cấu trúc hậu môn của mỗi người là độc nhất. Hình ảnh quét dấu vân tay và hậu môn được sử dụng hoàn toàn như một hệ thống nhận dạng để khớp với dữ liệu cụ thể của người dùng. Không một ai, kể cả bạn hay bác sĩ của bạn, được nhìn thấy hình ảnh bản quét các bộ phận này. Trên thực tế, nếu có nghi vấn phát sinh trong nước tiểu, một ứng dụng được bảo vệ dựa trên quyền riêng tư sẽ gửi cảnh báo đến đội ngũ chăm sóc sức khỏe riêng của người dùng, cho phép các chuyên gia xác định các bước tiếp theo để cho ra kết quả chẩn đoán chính xác hơn”, ông Gambhir cho hay.
Bình luận (0)