Bốn mùa thay lá

08/01/2017 05:00 GMT+7

Xin mượn tựa đề một bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm tựa bài viết nhỏ này để nói về những chiếc lá, như những gì tôi đã thấy, đã nghĩ trên con đường dài ngày đầu năm.

Ấy là, khi đi ngang qua ngôi chợ nhỏ ở miền quê trong chiều, tôi bắt gặp những mẹ, những chị ngồi gói hàng bán cho khách bằng lá chuối. Vài viên kẹo nhỏ thì gói lá chuối khô, bó rau mớ cá thì lá chuối tươi. Thậm chí, họ còn lấy lá bàng, lá duối, lá dong găm lại bằng que tre nhỏ để vun vén đầy lên những lon đậu xanh, đậu phộng mà cuối buổi chợ về không hề bị rớt ra một hột.
Lá đã trở thành một thứ vật dụng bảo bọc bốn mùa cho mọi người, từ đó mà có ô xy, từ đó mà có bóng râm, từ đó mà có những chiếc bánh chưng bánh ít, để khi gỡ ra vẫn còn dịu thơm mùi lá. Nhưng điều độc đáo, là trong một giai thoại đẹp về hành trình tự chủ, tự cường, giành lại giang sơn tự thuở xưa, lá cũng góp phần cùng cha ông ta hiệu triệu, kết nối sức mạnh đánh đuổi giặc Minh bạo tàn đô hộ. Những chiếc lá với mưu kế của Nguyễn Trãi được viết lên bằng mỡ động vật "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần", để cho kiến ăn theo dòng chữ ấy, và người người khi thấy triệu triệu chiếc lá, đã nghĩ rằng đó là ý trời, phải tập hợp sức mạnh để không còn sống cảnh nô lệ. Tôi đồ rằng, trong một mùa xuân nào đó, dài theo cuộc kháng chiến mười năm của Lê Lợi, nhờ lá mà vị anh hùng đứng đầu của Hội thề Lũng Nhai đã kêu gọi về được dưới trướng của mình những bậc hiền tài, danh tướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Sát, Lê Vấn, Nguyễn Xí... Nhờ đó mà Lê Lợi có trong tay Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi đa mưu túc trí mà hiền từ nhân hậu, có Đại tư đồ Trần Nguyên Hãn dũng mãnh bao phen làm cho quân Minh bạt vía kinh hồn, hay những bậc tướng giỏi luôn làm gương cho quân sĩ và nếu cần có thể quên mình vì nghĩa lớn. Lúc ấy, lá không chỉ là lá nữa, mà là tiếng nói đồng lòng, là khúc tráng ca kêu gọi cả một dân tộc đứng dậy!
Bản nhạc Lá xanh của cố nhạc sĩ Hoàng Việt cũng là bài ca thôi thúc thanh niên những ngày đầu kháng Pháp. Ông đã ví lá như những chàng trai tòng quân ra trận: "Lá còn xanh như anh đang còn trẻ. Lá trên cành như anh trong đoàn quân". Bản nhạc, với ý nghĩa của mình, đã góp một phần nhỏ bé cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Lá vẫn luôn rộn ràng trong mỗi bước chân rầm rập oai hùng của một thời biết bao chàng trai trẻ liều mình vì nước.
Lại tự nhủ rằng, có phải là nhờ lá tạo nên cảm hứng, mà Trịnh Công Sơn mong mỏi bốn mùa luôn xanh. Hoặc như nhạc sĩ Trần Quang Lộc trong bản Có phải em mùa thu Hà Nội, cũng đưa chiếc lá vào nhạc rất duyên dáng "ngày sang thu anh lót lá em nằm". Nghĩ rằng, trước đó có thể những chiếc lá ấy đã giúp cho đôi tình nhân tự nhiên hơn khi mở đầu lời yêu thương.
Lá, dù luân chuyển qua mỗi mùa, kể cả khi đất trời khắc nghiệt đến tận cùng, rồi vẫn sẽ xanh. Mỗi khi ngước nhìn một vòm lá, lại tưởng như lá đang thầm thì. Bạn có lúc nào vậy không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.