Bốn ‘Thần sấm II’ của Mỹ bay sát bãi cạn Trung Quốc chiếm ở Biển Đông

23/04/2016 20:13 GMT+7

Bốn máy bay cường kích A-10C Thần sấm II và hai trực thăng HH-60G Pave Hawk đã tiến hành chuyến bay nhận diện tình huống hàng hải và trên không gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines ở Biển Đông.

Bốn máy bay cường kích A-10C Thần sấm II và hai trực thăng HH-60G Pave Hawk đã tiến hành chuyến bay nhận diện tình huống hàng hải và trên không gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines ở Biển Đông.

Máy bay A-10 Thần sấm II của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Clark, Philippines bay đi tuần tra gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông ngày 19.4.2016 - Ảnh: Không quân MỹMáy bay A-10 Thần sấm II của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Clark, Philippines bay đi tuần tra gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông ngày 19.4.2016 - Ảnh: Không quân Mỹ
Trong thông cáo ngày 22.4, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay sáu máy bay này, thuộc Không đoàn 51 Mỹ ở Osan (Hàn Quốc) được Mỹ để lại Philippines sau cuộc tập trận chung trong tháng 4.2016, đã cất cánh từ căn cứ không quân Clark trên đảo Luzon (Philippines) vào ngày 19.4, bay trong không phận quốc tế gần bãi cạn Scarborough, theo trang tin Japan Times (Nhật Bản).
“Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này là cực kỳ quan trọng. Các nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc vào điều này”, ông Larry Card, một chỉ huy phụ trách không quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho hay.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg ngày 18.4 cho biết Washington sẽ chuyển giao một khí cầu quan sát cho Philippines để Manila có thể theo dõi những hoạt động hàng hải trên Biển Đông, cùng các thiết bị thông tin liên lạc, bộ cảm ứng, radar với tổng trị giá 42 triệu USD, theo Reuters.

Hồi đầu tháng 4.2016, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. từng cảnh báo Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough, bị Bắc Kinh chiếm từ tay Philippines kể từ năm 2012, và tàu thăm dò Trung Quốc đã xuất hiện tại bãi cạn này.

Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện trên bảy đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp trên bảy đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Washington lâu nay luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Vào ngày 17.4, một máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc lần đầu tiên đáp xuống Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, ngay trước khi Mỹ chuẩn bị tiến hành thêm các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần Trường Sa.
Trực thăng HH-60G Pave Hawk của Mỹ cất cánh từ căn cứ Clark Philippines bay đi tuần tra gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông ngày 19.4.2016 - Ảnh: Không quân Mỹ

Hồi năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan), phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh từ chối tham gia các phiên phân xử. Tòa trọng tài thường trực dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.2016.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 2.2016 và gần đây là Anh đã cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa án này. Washington cũng bày tỏ quan ngại Trung Quốc có thể dùng phán quyết của tòa, nếu phán quyết này chống lại Bắc Kinh, làm cái cớ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Một khi Bắc Kinh đã lập ADIZ ở Biển Đông như ở biển Hoa Đông trước đây, sẽ buộc tất cả các chuyến bay đi qua Biển Đông phải xin phép, thông báo cho chính quyền Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.