Bóng đá Đông Nam Á: Giấc mơ World Cup còn xa

14/10/2023 08:15 GMT+7

Trong tuần lễ thi đấu của FIFA Days, hầu hết các ông lớn của khu vực Đông Nam Á như đội tuyển VN, Thái Lan đều thua tan tác trong những loạt giao hữu. Còn những đội bóng tiềm năng như Malaysia, Myanmar, Indonesia thì vẫn đang vật lộn thi đấu tại vòng loại thứ 1 của FIFA World Cup.


Khoảng cách rất xa với tốp đầu châu Á

Thái Lan và VN là những quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á nói về "giấc mơ World Cup". Và 2 lá cờ đầu của khu vực cũng là những nước đầu tiên tham dự vòng loại thứ 3 của World Cup. Thái Lan góp mặt 2 lần với thành tích 4 trận hòa sau 8 lượt trận tại vòng loại World Cup 2002 và 16 năm sau đó họ có được 2 trận hòa sau 10 trận trước những nền bóng đá hàng đầu của Tây Á và Đông Á. Còn VN cũng đã khép lại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với 4 điểm sau 10 loạt trận. Ngoài việc là đội đầu tiên của khu vực Đông Nam Á có được chiến thắng (trước Trung Quốc) tại đấu trường này thì trận hòa quả cảm của thầy trò HLV Park Hang-seo ngay trên đất Nhật Bản cũng là một dấu mốc đáng nhớ của bóng đá khu vực.

Bóng đá Đông Nam Á: Giấc mơ World Cup còn xa - Ảnh 1.

Hoàng Đức (14) thi đấu không nổi bật trong trận gặp đội Trung Quốc

VFF

Nhưng xét một cách toàn diện thì đúng là cả VN và Thái Lan đều còn có khoảng cách rất xa với tốp đầu của châu Á. Chúng ta vào được vòng loại thứ 3 nhưng chỉ nằm ở vị trí thứ 10 - 12. Trong khi đó chỉ tốp 4 - 5 mới giành quyền đi World Cup. Không những thế, những cuộc đối đầu trực diện với những ông lớn châu Á thì chúng ta thường thua và thua rất đậm.

Trong khi đó, Malaysia, Indonesia, Myanmar đầu tư rất nhiều vào bóng đá trẻ trong thời gian qua nhưng cũng chỉ mới có Indonesia đang tạm chiếm ưu thế ở sân chơi U.23, chứ ở cấp độ đội tuyển quốc gia thì nhà vô địch của AFF Cup trong những mùa giải gần nhất vẫn thuộc về VN và Thái Lan. Các nước còn lại thì đang bắt đầu những trận đấu đầu tiên của vòng loại thứ 1 và vẫn còn muôn vàn thử thách chờ đợi họ ở vòng loại thứ 2, thứ 3…

Chờ "anh cả" VN hoàn thiện

Những năm gần đây, đỉnh cao của bóng đá VN như vô địch AFF 2018, vô địch SEA Games 2019 và 2021, tứ kết Asian Cup 2019 và kỳ tích lần đầu tiên vào đến vòng loại thứ 3 World Cup đều gắn bó với HLV Park Hang-seo cùng lối chơi phòng ngự phản công đặc trưng đã trở thành thương hiệu. Nhưng những gì tinh túy nhất, đỉnh cao nhất của thế hệ đó cũng đã đạt đến giới hạn tại vòng loại thứ 3 World Cup và những lần thất bại trực diện trong các cuộc so tài với Thái Lan tại AFF Cup.

Bóng đá VN chuyển sang trang mới với sự xuất hiện của HLV Philippe Troussier, người được mệnh danh là "Phù thủy trắng" đã gặt hái được rất nhiều thành công trong quá khứ tại Nhật Bản, Trung Quốc hay nhiều quốc gia châu Phi.

Đội tuyển VN thua Uzbekistan ngày 13.10

Sau gần nửa năm bắt tay vào làm việc với bóng đá VN ở nhiều cấp độ thì thuyền trưởng người Pháp đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để tạo nền móng lối chơi kiểm soát bóng mà ông muốn áp đặt cho bóng đá VN. Ở cấp độ các đội trẻ, mọi thứ đang còn tương đối khó khăn với sự dang dở với chiếc HCĐ SEA Games 32. Còn ở cấp độ đội tuyển quốc gia thì có vẻ như các tuyển thủ thích nghi nhanh hơn với 3 trận toàn thắng trước Hồng Kông, Syria và Palestine. Trong những trận đấu đó, gần như mục tiêu của BHL đều được các tuyển thủ thực hiện khá ổn: thế trận chủ động, kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu tốt và tận dụng tối đa các cơ hội.

Nhân sự ra sân đội tuyển VN ở trận giao hữu thua Uzbekistan

Thất bại 0-2 trước đội tuyển Trung Quốc là trận thua đầu tiên của thầy Troussier với đội tuyển VN. Đó cũng là trận thua mà chúng ta kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ nhưng khác với những trận đấu trước đó, chúng ta chỉ có được khả năng giữ bóng và phối hợp ở phần sân nhà hoặc khu vực giữa sân. Không có khả năng đưa được bóng nhiều sang phần sân đối phương và cũng thiếu các phương án tiếp cận khung thành của Trung Quốc. Kết quả là công cùn còn thủ thì liên tục mắc sai lầm và thất bại.

Thất bại ở giao hữu không phải là một thảm họa. Nhưng sự bế tắc của hàng tấn công cùng với sự loay hoay của các cầu thủ cũng như BHL trong việc triển khai các phương án tấn công ở 1/3 phần sân đối phương mới là điều khán giả và giới chuyên môn lo ngại. Phải thừa nhận là khả năng kiểm soát bóng của thủ môn và các cầu thủ của tuyến dưới đã được cải thiện: từ thái độ tự tin, vị trí, tư thế khống chế bước 1 chuyền, phối hợp đã tạo nên nhiều tình huống kiểm soát bóng tốt. Nhưng nếu như chỉ chuyền qua, chuyền lại ở phần sân nhà mà không có phương án tấn công thì mọi thứ vô nghĩa. Sẽ đến lúc các tuyển thủ mắc sai lầm và chuyền sai như trường hợp của Hoàng Đức. Hy vọng là lối chơi này đang được BHL xây dựng từng phần và những phần tiếp theo sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.