Bóng đá Indonesia trỗi dậy sau chiến thắng ở SEA Games 32?

17/05/2023 14:52 GMT+7

Giành HCV SEA Games sau 32 năm chờ đợi, lứa U.22 Indonesia do ông Indra Sjafri dẫn dắt mang lại hy vọng về sự trỗi dậy của bóng đá Indonesia sau nhiều năm đứng sau cái bóng của Việt Nam, Thái Lan.

Hỗn loạn, bạo lực là những miêu tả phổ biến của giới truyền thông dành cho trận chung kết SEA Games 32, khi U.22 IndonesiaU.22 Thái Lan đã tạo ra cuộc hỗn chiến đáng xấu hổ trên sân Olympic. Màn bạo loạn khép lại với 14 thẻ vàng và 7 thẻ đỏ dành cho 2 đội, thậm chí U.22 Thái Lan khép lại trận đấu với vỏn vẹn 7 cầu thủ trên sân.

Tuy nhiên, sự cố nói trên không che mờ thực tế: U.22 Indonesia đã chơi tốt ở trận chung kết cũng như xuyên suốt cả giải đấu. Đội bóng của HLV Indra Sjafri xứng đáng với tấm HCV sau 32 năm chờ đợi.

Bóng đá Indonesia trỗi dậy sau chiến thắng ở SEA Games 32? - Ảnh 1.

U.22 Indonesia thắng U.22 Thái Lan với tỷ số 5-2 ở chung kết SEA Games 32

HÀ PHƯƠNG

Bóng đá Indonesia đã phải đợi hơn 3 thập kỷ cho một tấm HCV SEA Games, và còn lâu hơn thế khi trong khoảng thời gian dài đằng đẵng này, đội tuyển quốc gia và U.22 Indonesia đã thua tới 9 trận chung kết SEA Games và AFF Cup.

Đỉnh điểm khủng hoảng với bóng đá Indonesia là cuộc bạo loạn ở Kanjuruhan khiến hơn 100 người thiệt mạng trong một trận đấu quốc nội cuối năm 2022, sau đó Indonesia bị tước quyền đăng cai U.20 World Cup, giải đấu mà Liên đoàn Bóng đá Indonesia kỳ vọng sẽ nâng tầm nền bóng đá nước này.

Nhưng từ trong khó khăn, bóng đá Indonesia đã nhìn thấy hy vọng. Đội U.22 Indonesia dự SEA Games 32 là tập hợp của hai lứa cầu thủ U.20. Một lứa được xây dựng từ năm 2020, nhằm chuẩn bị cho U.20 World Cup 2021, song giải đấu bị hoãn do dịch bệnh. Lứa còn lại được xây dựng năm 2022, cũng nhằm hướng tới U.20 World Cup 2023 để rồi một lần nữa lỡ hẹn.

Bóng đá Indonesia trỗi dậy sau chiến thắng ở SEA Games 32? - Ảnh 2.

Bóng đá Indonesia trỗi dậy sau chiến thắng ở SEA Games 32? - Ảnh 3.

Bóng đá Indonesia trỗi dậy sau chiến thắng ở SEA Games 32? - Ảnh 4.

U.22 Indonesia chơi hay hơn ở trận chung kết

HÀ PHƯƠNG

Với U.22 Việt Nam, hành trình phía trước sẽ còn rất rộng mở

Không thể tổ chức U.20 World Cup, nhưng việc chăm bẵm và đầu tư cho hai lứa U.20 của Indonesia đã tạo nên một thế hệ cầu thủ giàu tiềm năng, mà Witan Sulaeman là đại diện tiêu biểu. Ở tuổi 21, Witan đã chơi 28 trận, ghi 8 bàn trong màu áo đội tuyển Indonesia, có 44 trận ở cấp độ CLB. Alfeandra Dewangga, một trụ cột khác của U.20 Indonesia, có 43 trận tại giải quốc nội Indonesia cùng 37 trận ở các cấp độ đội tuyển Indonesia.

Dewangga được ông Shin Tae-yong sử dụng ở AFF Cup 2020 và tiến bộ không ngừng. Nổi bật nhất là Marselino Ferdinan, cầu thủ mới 18 tuổi, nhưng đã khoác áo đội tuyển Indonesia và U.22 Indonesia lần lượt 12 và 15 lần.

Rizky Ridho, Ramadhan Sananta, Arhan Pratama, Muhammad Ferrari, Ernando Ari, Marselino Ferdinan là những tuyển thủ U.22 Indonesia đã được "ăn cơm tuyển", trong chiến lược trẻ hóa và chuyển giao thế hệ do ông Shin Tae-yong thực hiện, với người khởi xướng chính là Indra Sjafri trong vai trò giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Indonesia.

Khác với phần đông đội trẻ ở Đông Nam Á, các cầu thủ U.22 Indonesia được ra sân thường xuyên trong màu áo CLB, đồng thời được đôn lên đá đội tuyển quốc gia ngay ở độ đôi mươi.

Bóng đá Indonesia trỗi dậy sau chiến thắng ở SEA Games 32? - Ảnh 5.

Các tuyển thủ U.22 Indonesia được đá chính ở đội tuyển quốc gia và CLB

HÀ PHƯƠNG

Việc được đi tập huấn nước ngoài liên tục trước SEA Games cũng là điểm cộng của U.22 Indonesia, dù những chuyến đi ấy phần lớn để dành cho U.20 World Cup, giải đấu mà bóng đá Indonesia xem là thác nước để lứa trẻ nước này "vượt vũ môn". Quá trình chuẩn bị kỹ càng cho thấy Indonesia chờ đợi cầu thủ trẻ sẽ góp sức phục dựng lại nền bóng đá già cỗi, lắm vấn đề trong những năm qua.

Sau cùng, thành công của U.22 Indonesia mang đậm dấu ấn của Indra Sjafri. Ông Sjafri đã huấn luyện các cấp độ đội U.16, U.19 và U.22 của Indonesia trong 10 năm, trước khi chuyển sang công tác quản lý. Tầm hiểu biết của ông Sjafri về cầu thủ Indonesia lẫn bóng đá Đông Nam Á cũng là "kim chỉ nam" để U.22 Indonesia luôn quái hơn đối thủ, mà những cú ném biên thành bàn của Arhan Pratama, Alfeandra Dewangga là minh chứng. U.22 Indonesia đã thắng đối thủ yếu bằng lối chơi tấn công hủy diệt, và quật ngã những đội mạnh bằng sự lì lợm đan xen với khát vọng chiến thắng.

U.22 Việt Nam được VFF thưởng lớn, nhưng vì sao HLV Troussier nằm ngoài danh sách thưởng?

HLV Sjafri từng chia sẻ "đây là chiến thắng đánh thức nền bóng đá Indonesia" sau trận bán kết với U.22 Việt Nam. Để trả lời câu hỏi bóng đá Indonesia có thể trỗi dậy nhờ vào đà thành công ở SEA Games, có lẽ còn phụ thuộc vào quá trình phát triển của lứa cầu thủ này, kết hợp với chiến lược đan xen sức trẻ và kinh nghiệm của ông Sjafri và Shin Tae-yong. Bóng đá Indonesia đang có bước đệm tốt để trở lại. Đó là thách thức, nhưng cũng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy Việt Nam, Thái Lan phải nỗ lực để bảo vệ vị thế của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.