CHƯA NGÃ NGŨ TƯƠNG LAI BÍCH THÙY, KIM THANH
Sau chức VĐQG lần thứ 5 liên tiếp, thủ môn Trần Thị Kim Thanh và các cầu thủ Nguyễn Thị Bích Thùy, Chương Thị Kiều, Trần Thị Thu, Trần Thị Thu Thảo, Trần Thị Thùy Trang, Trần Nguyễn Bảo Châu cùng HLV Đoàn Thị Kim Chi hết hợp đồng với CLB nữ TP.HCM. Trong tháng 1.2024 đã liên tiếp diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng để bàn về tương lai của các nhân sự nói trên. Trong đó, Sở VH-TT TP.HCM làm việc với Trung tâm TDTT Thống Nhất (chịu trách nhiệm quản lý bộ môn bóng đá), Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF). Rồi sau đó, lãnh đạo Trung tâm TDTT Thống Nhất đã có cuộc gặp riêng với Bích Thùy, Kim Thanh và Trần Thị Thu, nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.
Sở VH-TT TP.HCM đang rất nỗ lực tìm ra phương án đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của các nữ cầu thủ trụ cột đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá TP. Sở đang tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để các "công thần" có thể được nhận mức đãi ngộ tương xứng.
Bích Thùy hay Kim Thanh cũng bày tỏ nguyện vọng ở lại, sẵn sàng nhận phí lót tay chỉ khoảng 8/10 của mức một CLB miền Bắc đang đề nghị. Ngoài ra, họ cũng mong muốn nhận mức lương cụ thể 30 triệu đồng/tháng ghi rõ trong hợp đồng như các đồng nghiệp nam. Nói cách khác, cả hai bên chủ quản và VĐV đều bày tỏ ý nguyện tiếp tục gắn bó cùng nhau. Tuy nhiên như nói ở trên, đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung bởi phía đơn vị quản lý đang nỗ lực tìm nguồn tài trợ, rồi xa hơn là phương thức thích hợp để chi khoản lót tay xứng đáng cho Kim Thanh, Bích Thùy.
Nhưng đây là bài toán hoàn toàn không dễ giải, vì nếu theo đúng quy định của nhà nước thì chi tiền lót tay là cực khó. Có lẽ mùa tới, đội nữ TP.HCM sẽ thiếu vắng một số gương mặt giỏi nếu như cuộc gặp gỡ giữa cơ quan chủ quản và cầu thủ vào ngày 24.1 tiếp tục không có tiếng nói chung.
CẦN CUỘC CÁCH MẠNG
Có thể thấy khó khăn lớn nhất của bóng đá nữ TP.HCM là vẫn đang vận hành theo cơ chế bao cấp. CLB nữ TP.HCM hiện vẫn chưa vận hành theo mô hình một công ty cổ phần độc lập. Các cầu thủ lúc này vẫn phải ký hợp đồng với Trung tâm TDTT Thống Nhất, tức là chế độ đãi ngộ vẫn phải tuân theo những quy định thu, chi của nhà nước. Chỉ có chuyển sang mô hình công ty cổ phần, bóng đá nữ TP.HCM mới có thể nâng cao đãi ngộ nhằm giữ chân nhân tài, thậm chí thu hút tài năng từ các CLB khác. Đó cũng là xu thế đúng đắn của bóng đá chuyên nghiệp, vì chỉ có như vậy, bóng đá nữ mới có cơ hội phát triển, cầu thủ được hưởng thu nhập cao. Cũng nói thêm, Chương Thị Kiều, Trần Thị Thu Thảo, Trần Thị Thùy Trang hay HLV Đoàn Thị Kim Chi đã đồng ý ở lại, nhưng họ không có phí lót tay như bóng đá nam. Vì thế, việc sớm tạo ra tiền lệ phí lót tay sẽ là điều cần thiết mà các nhà quản lý bóng đá TP.HCM cần tính đến, để bóng đá nữ TP không rơi vào cảnh "chảy máu" nhân tài.
Bình luận viên Huỳnh Sang cho rằng: "Xu hướng cầu thủ ra đi vì thu nhập tốt hơn là không thể cản trở được. Bóng đá các nước cũng vậy thôi. Phải thừa nhận TP.HCM lâu nay vẫn là cái nôi bóng đá nữ, nhưng cơ chế và sức hút tài trợ không bằng các đội miền Bắc vốn có cả cụm bóng đá nữ, phong trào bóng đá nữ mạnh hơn. Bóng đá VN tiến lên chuyên nghiệp, đội tuyển nữ VN dự World Cup rồi, nhưng mô hình quản lý vẫn nặng bao cấp thì nếu có mất nhân tài cũng là chuyện đương nhiên. Tôi nói thật, đến lúc này cầu thủ nữ vẫn chấp nhận mức lương bao cấp, khoác áo CLB TP.HCM là tình nghĩa lắm rồi. Tuổi đời, tuổi nghề của chị em nữ đá bóng kéo dài bao lâu đâu, sau đó lấy gì lo cho bản thân và gia đình? Chìa khóa sẽ nằm ở thay đổi mô hình quản lý. Nguy cơ bóng đá nữ TP.HCM bị "chảy máu" tài năng, thực ra cũng là cơ hội để ngành thể thao TP.HCM tìm cách tháo gỡ bài toán cơ chế, phải lột xác thôi. Tôi cho rằng việc lập công ty cổ phần quản lý CLB nữ TP.HCM là điều trong tầm tay".
Bình luận (0)