Nhiều bộ môn thể thao than trời vì công tác tuyển quân ngày càng khó khăn, nguyên nhân do rất nhiều gia đình không cho con em theo nghiệp thể thao vì nhận thấy chế độ đãi ngộ quá thấp.
Khó tuyển được cầu thủ trẻ ở môn bóng đá nữ - Ảnh: Tú Hoa
|
Lương 3 cọc 3 đồng
Đội tuyển bóng đá nữ VN rất muốn trẻ hóa đội hình để chuẩn bị cho tương lai nhưng HLV Mai Đức Chung không thể tìm được những gương mặt mới. Xét về sâu xa, việc thiếu hụt lực lượng ở tuyến trẻ của bóng đá nữ xuất phát từ cơ sở. Do chế độ đãi ngộ thấp nên không ít đội bóng nữ không thể thu hút được nhân tài.
HLV Văn Thị Thanh của CLB bóng đá nữ Hà Nam than thở: “Nhiều năm nay, chúng tôi không thể tuyển được cầu thủ ở ngay tại TP.Phủ Lý. Có năm phát hiện được các em có năng khiếu, tố chất và bản thân em gái đó cũng rất thích tập luyện bóng đá. Nhưng khi bố mẹ hay tin đã vội vã tìm đến chúng tôi và năn nỉ “các cô chú cho cháu nó về đi học”. Nhiều nhà còn quát con: Bóng bánh gì, tập cái này có mà ế chồng à. Nghe mà tủi thân lắm. Chưa hết, có nhà còn kể bị người thân mắng: Nếu anh chị nghèo không nuôi được con thì để họ hàng nuôi, nhất quyết không đi đá bóng để hưởng lương 3 cọc 3 đồng”.
Do chơi bóng đá nữ lương bổng chẳng có là bao lại nguy hiểm, dễ chấn thương nên hiếm gia đình cho con cái của mình chơi môn thể thao này. Vì thế, nhiều đội bóng đá nữ phía bắc phải đi vào tận miền Trung để tuyển quân.
Đội bóng đá nữ Hà Nội cũng lâm vào tình trạng bất an tương tự. Vốn là cái nôi đào tạo bóng đá nữ hàng đầu VN nhưng giờ Hà Nội không thể tuyển được cầu thủ trẻ có năng khiếu, có đam mê cũng như được sự đồng thuận của gia đình. HLV Nguyễn Ngọc Anh, cựu tuyển thủ đội bóng đá nữ VN, hiện đang làm tuyển trẻ Hà Nội ưu tư: "Phụ huynh lo lắng cũng đúng thôi vì đời sống của cầu thủ bóng đá nữ bấp bênh, cầu thủ trẻ càng bấp bênh vì họ chỉ được lo tiền ăn, tiền học chứ không có khoản phụ cấp nào khác".
Thuyết phục đến “gãy lưỡi” vẫn thiếu chỉ tiêu
Giải vô địch thể dục dụng cụ toàn quốc là giải đấu có số lượng VĐV tham dự “hẻo” nhất. Năm ngoái chỉ có vỏn vẹn 40 VĐV của 4 đơn vị. Liên đoàn Thể dục VN rất muốn càng nhiều đơn vị tham dự càng tốt nhưng các địa phương hiện tại không đào tạo môn thể thao Olympic này vì không có thí sinh. Thể dục dụng cụ là môn rất khó, đòi hỏi vừa phải có năng khiếu vừa phải tập luyện rất khắc nghiệt.
Một quan chức của Liên đoàn Thể dục VN chia sẻ: “Chúng tôi rất lo lắng vì sau lứa Ngân Thương, Hà Thanh, Vân Anh, Phước Hưng, Phương Thành, Thanh Tùng…, vẫn chưa có lớp kế cận xứng đáng. Tìm các VĐV trẻ hiện tại cực kỳ khó khăn vì hầu hết bố mẹ muốn con mình đi theo con đường học vấn, không thích cho con lựa chọn con đường thể thao chuyên nghiệp khi chưa biết tương lai sẽ ra sao”.
Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng bộ môn quyền Anh của Tổng cục Thể dục thể thao, kể: “Đúng là không gì khổ bằng việc đi chọn người để tập. Phải thuyết phục đến gãy lưỡi. Có năm đi tuyển sinh VĐV ở những vùng quê hẻo lánh, chúng tôi còn phải nghĩ ra chiêu là không nói thẳng tập quyền Anh mà bảo cứ ra Hà Nội chơi các môn vận động, môn võ. Đến khi các cháu thích rồi mới chuyển dần sang quyền Anh. Tìm VĐV nam đã khó, tìm nữ càng vất vả bội phần. Có năm không tìm ra quân cho đủ chỉ tiêu. Nhiều gia đình nhất quyết từ chối. Cũng vì thiếu người nên chúng tôi rất khó chọn lọc VĐV ưu tú cho tuyển trẻ quốc gia”.
Ở Trung tâm huấn luyện thể thao cấp cao Hải Phòng, bộ môn bắn súng cũng đang rơi vào hoàn cảnh không thu hút nổi các VĐV trẻ. “Thu hút sao nổi khi bắn súng là môn thể thao đặc thù trong khi chế độ đãi ngộ lại quá thấp, cực kỳ thấp. Một VĐV cấp cao được hưởng chế độ bồi dưỡng chỉ có đúng 3 triệu đồng/tháng, VĐV trẻ dao động từ 1 - 2 triệu đồng, VĐV mới vào tập thậm chí còn chẳng được gì, bố mẹ còn phải nuôi”, một HLV môn bắn súng Hải Phòng ngậm ngùi phát biểu.
Bình luận (0)