Một đội tuyển Nhật Bản nhiều màu sắc
Đội tuyển nữ Nhật Bản bắt đầu World Cup với chiến thắng 5-0 trước Zambia. Đó là một trận đấu mà Mina Tanaka cùng đồng đội kiểm soát hoàn toàn những diễn biến chính của trận đấu, không cho đối thủ bất cứ cơ hội nào dứt điểm, trong khi đó họ tung ra tới 26 cú sút, 11 trúng đích và ghi được 5 bàn. Trận đấu thứ 2, cuộc đối đầu với Costa Rica thì lại là một kịch bản khác khi Nhật Bản không quá chú trọng vào tỷ lệ kiểm soát bóng mà tập trung vào khả năng phòng ngự khu vực, phong tỏa đối thủ, sau đó giành bóng và tấn công một cách có nhịp điệu. Không quá áp đảo trong toàn bộ thời gian thi đấu nhưng chỉ cần tăng tốc một vài thời điểm cần thiết là người Nhật đã có được điều mình cần với 2 bàn thắng của Naomoto và Aoba.
Những cú sốc lớn nhất ở vòng bảng World Cup nữ 2023
Trong trận đấu chung kết của bảng C với Tây Ban Nha thì thầy trò HLV Futoshi Ikeda lại trình diễn một thứ bóng đá phòng ngự phản công kinh điển. Họ chơi chặt chẽ, khoa học trong phòng ngự và tốc độ, sự chính xác ở mức độ đỉnh cao trong những tình huống lên bóng. Một trận đấu mà Tây Ban Nha kiểm soát bóng 68% nhưng không tiếp cận được khung thành Nhật Bản, sút 10 quả nhưng chỉ trúng đích 2. Trong khi đó, Nhật Bản dứt điểm 8 lần, nhưng trúng đích tới 6 và ghi đến 4 bàn. Hiệp 1 là một hiệp đấu đặc biệt khi đội bóng đất nước mặt trời mọc tấn công có 3 đợt nhưng có tới 3 lần lập công với những tình huống ghi bàn đẹp và mẫu mực.
Ngoài sức mạnh tinh thần kiên cường dũng mãnh, bản lĩnh thi đấu lì lợm thì tại World Cup lần này, Nhật Bản cho thấy dáng dấp của một đội bóng được chuẩn bị kỹ lưỡng về tất cả mọi mặt. Đầu tiên là cách vận hành sơ đồ 5-4-1 một cách hoàn hảo. Tiền đạo Rico Ueki án ngữ tuyến trên, liên tục di chuyển pressing cặp trung vệ đối thủ. Hàng tiền vệ 4 người như một bức tường di động uyển chuyển, chặt chẽ ở khu vực giữa sân. Cự ly giữa các vị trí ở khu vực giữa sân cực tốt, khoảng cách giữa các cầu thủ có sự liên kết chặt chẽ khiến những tiền vệ kiểm soát bóng và có kỹ năng chuyền bóng cực tốt của Tây Ban Nha như Aitana hay Teresa bị chia cắt, bị phong tỏa và vô hiệu hóa. Cái hay của đội tuyển Nhật Bản là họ phòng ngự tập thể và đồng bộ, toàn đội thành một khối vững chắc và bóng ở đâu, cả khối di chuyển đến đó khiến đối thủ không thể khoan phá.
Về đến quê nhà, thủ môn Kim Thanh thổ lộ: 'Khoảnh khắc Quốc ca vang lên, tất cả vỡ òa'
VN có thể học gì ?
Đội ngũ HLV VN có thể học và nghiên cứu đội hình, cách vận hành sơ đồ 5-4-1 một cách trơn tru, hiệu quả. Tuyển nữ của chúng ta cũng có thể chuyển cách đá 3 trung vệ chơi theo khu vực giống như HLV Park Hang-seo đã làm và bây giờ thì thầy Troussier đang áp đặt cho đội tuyển nam. Việc chơi phòng ngự chia theo khu vực một cách khoa học và chính xác sẽ giúp cho các hậu vệ có được sự ổn định, chủ động trong khu vực của mình và hoàn toàn có thể bọc lót, hỗ trợ, ứng cứu cho khu vực bên cạnh. Cự ly giữa các mắt xích, sợi dây liên hệ giữa các vị trí lên xuống, chiều sâu hợp lý của tuyến, hàng cũng cần phải phân tích, học hỏi một cách nghiêm túc để tìm ra câu trả lời: "Vì sao Nhật Bản hoàn toàn vô hiệu hóa lối chơi kiểm soát bóng đầy biến hóa của các cô gái Tây Ban Nha?".
Một điểm khác về chuyên môn cũng cần lưu ý là khu vực và thời điểm để áp sát, tranh bóng hay phá, giành bóng. Đội Nhật Bản chủ động hạ thấp đội hình và chỉ bắt đầu tranh chấp khi đối thủ sang phần sân của mình, điều này thu hẹp được những khoảng trống trên sân, Hasegawa và các vệ tinh xung quanh có thể trực tiếp tranh chấp, hỗ trợ bọc lót để tạo những vành đai phòng ngự an toàn. Điểm đặc biệt nhất là các nhân tố trên hàng tấn công phải có phẩm chất phù hợp với những tình huống tấn công nhanh hoặc cắt bóng, chuyển đổi tấn công nhanh. Tuyến cao nhất phải có những tiền đạo có tốc độ và khả năng dứt điểm sắc lẹm như Ueki - Tanaka, những tiền vệ cực nhanh và khéo có thể băng lên và tiếp ứng ghi bàn như Hitana hay Aoba. Tiền vệ trung tâm cũng cần có những nhân tố có khả năng bắt bài, phán đoán tình huống, chọn vị trí cắt bóng tốt và kỹ năng chuyền bóng "chết chóc" như đường chuyền của Jun Endo, những cú thả bóng 1 chạm như của Fuka hay những pha tỉa bóng chất lượng của Hasegawa.
Đúng là về mặt con người và đẳng cấp thì chúng ta đang thua Nhật Bản khá xa. Nhưng xét về một khía cạnh nào đó thì chúng ta đang đi theo phong cách này, từ đội hình, sơ đồ chiến thuật cũng như lối chơi. Chúng ta cũng đang có một thế hệ trẻ U.20 đang được dẫn dắt bởi một ông thầy người Nhật Bản Aki. Và trong thành phần của đội tuyển quốc gia đương đại cũng còn rất nhiều tuyển thủ có thể chơi và thành công theo phong cách này. Để ngay lập tức thành công và tiệm cận Nhật Bản là không thể. Nhưng khi đã có một hình mẫu phù hợp để chúng ta phân tích, học tập và cải thiện một số yếu tố để phù hợp với con người VN thì đây sẽ là hướng đi đúng.
Bình luận (0)