Bóng đá Sài Gòn một thời vang bóng: Dấu ấn “má ngoài” của Đỗ Minh Khá

29/04/2016 09:16 GMT+7

Đỗ Minh Khá và danh thủ Á châu Đỗ Thới Vinh là cặp bài trùng gây rất nhiều khó khăn cho các hàng phòng ngự trong nước và quốc tế trước năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở thành HLV lớp bóng đá năng khiếu đầu tiên của TP.HCM, đào tạo ra những học trò xuất sắc như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại...

Đỗ Minh Khá và danh thủ Á châu Đỗ Thới Vinh là cặp bài trùng gây rất nhiều khó khăn cho các hàng phòng ngự trong nước và quốc tế trước năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở thành HLV lớp bóng đá năng khiếu đầu tiên của TP.HCM, đào tạo ra những học trò xuất sắc như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại...
Ông Đỗ Minh Khá (đứng, bìa phải) lúc làm HLV đội Giao thông vận tải - Ảnh: NVCC
Người hâm mộ bóng đá Sài Gòn biết đến Đỗ Minh Khá vào năm 1956, khi ông 18 tuổi và đang đá bóng tại Hóc Môn, được chọn về thi đấu cho các đội hạng danh dự và sau đó vào đội tuyển miền Nam VN cho đến tháng 4.1975. Khi đội Hải Quan được thành lập trong năm 1975, ông Khá có thi đấu một thời gian ngắn thì được mời về phụ trách môn bóng đá tại Sở TDTT TP.HCM.
Người thầy tâm huyết và sáng tạo
Gắn bó lâu dài với bóng đá Sài Gòn, ông Khá luôn ước mơ xây dựng một đội hình bóng đá trẻ để đào tạo thành những cầu thủ xuất sắc nên ông đã trực tiếp tìm kiếm VĐV và huấn luyện các lớp bóng đá đầu tiên của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TP.HCM (từ 1979). Trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn của thời bao cấp lúc đó, phương tiện tập luyện rất thiếu thốn nên ông phải tự tạo dụng cụ để học trò tập.
Chẳng hạn như chỉ với 2 cái niềng xe đạp cũ, ông treo cao cỡ 1,8 m và 1 m là trở thành mục tiêu để học trò ngắm mà tập sút bóng lọt vào trong niềng xe. Ở mức độ khó hơn, ông treo những chiếc mũ cối lên và yêu cầu học trò “bắn” cho trúng. Ông còn sáng tạo ra nhiều trụ gôn có kích cỡ nhỏ hơn bình thường để vừa rèn thủ môn bắt bóng sệt, vừa tập cho các chân sút đá bóng sát đất mà vẫn có thể tung lưới đối phương khi gặp các đội có thể hình cao to hơn.
Giám đốc kỹ thuật đội bóng đá Becamex Bình Dương Đặng Trần Chỉnh, học trò khóa năng khiếu TP.HCM đầu tiên của HLV Đỗ Minh Khá, tâm sự: “Tôi và các bạn bè rất biết ơn thầy Khá. Khi mới vào trường, chúng tôi đều chỉ biết tập trung “đá lòng”; còn thầy có kỹ thuật cá nhân cao, trong đó có cú đá má ngoài rất nổi tiếng. Thế là chúng tôi được thầy tận tình hướng dẫn rèn “vũ khí mới” suốt cả năm trời. Nhờ vậy, cùng với cú đá lòng đã biết từ trước đó, toàn bộ học trò của thầy đều sử dụng cú má ngoài thuần thục nên khi thi đấu luôn gây lúng túng cho đối thủ”.
Rời bóng đá, lập hội từ thiện
Lo lắng nhiều cho các cầu thủ trẻ, ông bỏ cả công sức và tiền bạc để nuôi dưỡng lớp trẻ đủ tài và đức vững bước vào nghề bóng đá. Các học trò của ông kể lại: “Từ chiếc Vespa ban đầu, cho đến khi chỉ còn xe đạp lọc cọc sau này, cứ khoảng 12 giờ trưa là chúng tôi thấy thầy đi đến tất cả các sân của hơn chục quận huyện toàn thành phố để tìm và gạn lọc ra 25 VĐV tập trung huấn luyện, hầu hết trở thành cầu thủ nòng cốt cho giai đoạn hưng thịnh của bóng đá TP.HCM thập niên 1980”.
Ông nói: “Lớp năng khiếu bóng đá của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TP.HCM lúc đó, ngoài việc được tập đá bóng bài bản, VĐV còn có nhiều quyền lợi khác về tem phiếu, gạo, ngay cả việc hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự. Nhưng cũng chính thời gian đó tôi chịu nhiều áp lực vì có vài quan chức lãnh đạo lúc đó muốn loại những người giỏi và đưa một số VĐV không đủ tiêu chuẩn vào trường”. Không chịu nổi việc này, ông đành nghỉ hẳn công việc ở Sở TDTT, chỉ nhận huấn luyện cho các đội bóng một số cơ quan (Bộ Công nghiệp nhẹ, Cao su Đồng Nai...) và kể cả huấn luyện không nhận thù lao cho nhóm Bụi đời An sinh (Thủ Đức).
Rời bóng đá, từ tháng 9.1985, vợ chồng ông cùng con gái Đỗ Thị Mỹ Oanh (cựu tuyển thủ bóng đá nữ quốc gia) chọn hướng đi mới là thành lập “Hội từ thiện Tự Lập TP.HCM”. Nhờ làm việc có kế hoạch thu chi rõ ràng minh bạch và thực hiện những công trình giúp ích thiết thực như xây cầu ở nông thôn, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó... nên hội đã nhận được sự đóng góp của một số nhà hảo tâm và rất nhiều bà con quen biết để hoạt động tốt từ hơn 30 năm qua.
Hiện tại ông Khá bị thoái hóa đầu gối, không còn đi đâu được nhưng ông vẫn đau đáu khi thấy bóng đá Sài Gòn quá thiếu tài năng. Ông mong sao các cấp có trách nhiệm tận tâm vực dậy hình ảnh hào hùng như thuở trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.