Bóng đá Việt Nam làm gì sau mốc son Asian Cup ?

25/01/2019 10:23 GMT+7

Chỉ trong thời gian ngắn, bóng đá Việt Nam gặt hái được những thành tích lịch sử. Chúng ta đã “tự vẽ” lại bản đồ của làng túc cầu Châu Á khi hiên ngang lọt vào top 8 đội cũng như ngẩng đầu rời cuộc chơi Asian Cup trong niềm tự hào vô bờ của người hâm mộ cũng như sự nể trọng của cả khu vực

[VIDEO] NHỮNG CƠ HỘI GHI BÀN VÀO LƯỚI NHẬT BẢN

Thành tích vô tiền khoáng hậu như Á quân U 23 Châu Á 2018, bán kết ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018 và trở thành 1 trong 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019 giúp chúng ta nhận được sự nể trọng và được xem như “thế lực mới” của bóng đá Châu lục. Nhưng muốn giữ được sự ổn định và tiến xa hơn sau những mốc son ấy, nhất là khát vọng tham dự World Cup, bóng đá Việt Nam cần khởi động ngay những chiến lược dài hơi.

Phải thừa nhận, chúng ta đang có một thế hệ cầu thủ hay nhất từ trước đến nay xuất thân từ những lò đào tạo như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, PVF, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Viettel...Đó là thành quả gặt hái xứng đáng của sự đầu tư có tầm nhìn cộng với niềm đam mê từ các ông bầu như Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển và “ người thầm lặng” tỉ phú Phạm Nhật Vượng với lò PVF...

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là lứa cầu thủ tiếp theo là những ai và liệu có kế thừa phát huy được những gì mà thế hệ hiện nay đã và đang làm được? Thậm chí một vài chuyên gia, Huấn luyện viên còn lo rằng, coi chừng chúng ta sẽ bị hụt hẫng. Bài học ở những môn thể thao khác chỉ ra cho những người làm bóng đá, mà đặc biệt là VFF một bài học quý giá là “ khoảng trống sau lưng” sẽ phải được giải quyết như thế nào?

Đất nước ta còn nghèo, cần nhiều tiền cho an sinh xã hội nên thật khó để Nhà nước đầu tư cho bóng đá một cách “thỏa mãn”. Vì vậy, rất cần bàn tay của doanh nghiệp, của các ông bầu bỏ tiền làm bóng đá. Trong quá khứ đã có nhiều trường hợp từng có ý định “ lợi dụng” bóng đá  nhằm  “ đổi đất” làm kinh tế. Nhưng giờ đây cũng nên nhìn nhận một cách công bằng hơn, bởi bóng đá là môn chơi đòi hỏi phải có không gian lớn để xây dựng cơ sở, tạo hạ tầng huấn luyện, đào tạo. Thế nên chuyện bóng đá  “ăn” đất không có gì lạ. Ngoài ra bóng đá học đường cũng cần được chú trọng. Mô hình này sẽ thu hút nguồn lực rộng lớn và đầy tiềm năng.

Xuân Trường, Ngọc Hải chia tay người hâm mộ ở Asian Cup. Họ đều là sản phẩm của các lò đào tạo trẻ tài năng Ngọc Linh

Hệ thống các giải quốc gia cần được tổ chức bài bản và đặt ra các tiêu chí khắt khe hơn nữa đối với các CLB. Tiêu chuẩn xây dựng các lứa trẻ U 15, U 17, U 19, U 22 cùng điều kiện sân bãi, tài chính... ngày càng phải chuyên nghiệp, tránh tình trạng dễ dãi với những nơi chưa đạt chuẩn. Bởi nếu cấp CLB đạt yêu cầu, chúng ta sẽ hướng đến những sân chơi chất lượng cao AFC cup hay AFC Champions League và đó là nơi trải nghiệm đáng giá cho cầu thủ Việt.

Chuyện kêu gọi những tài năng Việt kiều hoặc nhập tịch, gọi vào tuyển quốc gia một vài nhân tố “ngoại” cũng cần được tính đến để phục vụ cho mục tiêu dự World Cup 2022 hoặc 2026  khi số lượng đội tham dự tăng lên 48.

Tìm được một ông thầy như Park Hang-seo không dễ dàng. Vì vậy VFF cần có kế hoạch giữ chân càng sớm càng tốt Độc Lập

Cuối cùng, VFF cần có tính toán để giữ lại Huấn luyện viên Park Hang –seo. Vì tìm được một ông thầy phù hợp với bóng đá Việt Nam, giúp chúng ta thăng hoa như thời gian qua là không hề dễ dàng. Khi đã có một chuyên gia ngoại “hợp khẩu vị” thì rất cần gắn bó lâu dài nhằm xây dựng phong cách chơi có hệ thống, không chỉ cho đội tuyển quốc gia mà cả các cấp độ đội tuyển trẻ.

Nói chung, đạt được thành quả như thời gian qua đã khó, muốn giữ vững sự ổn định và tiếp tục phát triển càng khó hơn. Chính vì vậy, VFF khóa 8 sẽ phải làm rất nhiều việc để bóng đá Việt Nam tiếp tục tiến đến những cột mốc mới.

[VIDEO] NHỮNG PHA CỨU THUA XUẤT SẮC CỦA VĂN LÂM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.