Như Thanh Niên thông tin, những ngày gần đây ban giám hiệu, hiệu trưởng của nhiều trường học từ mầm non đến THPT tại TP.HCM bị “khủng bố” bởi hàng trăm cuộc gọi điện thoại lạ và hình ảnh, thông tin cá nhân của họ bị tung lên mạng xã hội. Các đối tượng đứng sau những cuộc gọi này đã gây áp lực, yêu cầu giáo viên, nhân viên của trường, phụ huynh học sinh phải trả nợ.
Điển hình, nhiều giáo viên ở Q.11 (TP.HCM) cuối tuần rồi nhận được lời mời kết bạn trên Facebook từ một tài khoản mang tên một trường mầm non. Nhìn kỹ, các giáo viên chỉ thấy tài khoản này đăng tải vài bức ảnh các thành viên ban giám hiệu của hai trường mầm non Q.11 kèm bài đăng “tố giác nhóm đối tượng lừa đảo quyên góp lũ lụt miền Trung”. Trong một bài đăng, tài khoản này rò rỉ thông tin cá nhân của một số thầy cô như tên tuổi, số điện thoại và chức vụ, nơi công tác, đồng thời tố cáo “nhóm đối tượng này đã lợi dụng, hình ảnh, chức danh để kêu gọi phụ huynh và các nhóm thiện nguyện quyên góp từ thiện lên đến hàng trăm triệu đồng. Ăn cắp hình ảnh trẻ em khuyết tật, người già, lũ lụt… để trục lợi ăn chia nhau”.
Hình ảnh ban giám hiệu một trường học bị bôi nhọ lan truyền trên mạng xã hội |
CHỤP MÀN HÌNH |
Trả lời PV Thanh Niên, một thành viên ban giám hiệu bị bêu tên trên tài khoản Facebook cho biết: “Tôi đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu phải bảo một nhân viên trong trường từng quản lý trước đây trả nợ. Tôi đã nói rõ với người gọi rằng tôi không còn công tác tại trường đó và đây là chuyện cá nhân, nhưng tôi vẫn tiếp tục bị hăm dọa. Sau đó, tôi còn thấy hình ảnh “tố cáo” tôi trên mạng xã hội”.
Còn hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) phải chịu trận hàng trăm cuộc gọi bất kể ngày đêm, gây áp lực về việc vay nợ, mua vật liệu xây dựng không trả tiền của giáo viên, phụ huynh học sinh của trường.
Phải mạnh tay với loại tội phạm này
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc, đề nghị công an vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết trấn áp loại tội phạm này. “Tôi không hiểu tại sao những đối tượng này quá lộng hành, coi thường pháp luật như vậy. Có phải do chế tài còn nhẹ nên chúng không sợ? Pháp luật phải nghiêm trị bọn tội phạm này để bảo vệ người dân vô tội. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt”, BĐ Nguyễn Trung bức xúc.
Tương tự, BĐ Trúc Phương viết: “Tình trạng này tồn tại rất lâu rồi, đã có nhiều trường hợp không liên quan sống dở chết dở với bọn này. Nếu pháp luật không xử lý nghiêm, vấn nạn này sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho xã hội”.
“Tôi từng là nạn nhân bị gọi quấy rối của các công ty cho vay tài chính kiểu này, mặc dù người vay là một người hoàn toàn xa lạ nhưng vì họ cung cấp số điện thoại của tôi, nên tôi bị gọi liên tục trong nhiều tháng. Chính quyền phải mạnh tay, dẹp bỏ kiểu khủng bố tinh thần này, rút giấy phép kinh doanh nếu có chứng cứ”, BĐ Q.Tuan đề nghị.
Nhà mạng không thể vô can
Nhiều ý kiến cũng đề cập trách nhiệm của nhà mạng khi để sim rác tồn tại, khiến vấn nạn gọi điện thoại quấy rối, khủng bố tinh thần ngày càng phức tạp. “Vai trò quản lý, trách nhiệm của nhà mạng ở đâu khi bọn tội phạm dùng sim rác để quấy rối, khủng bố người khác, dù đã có các quy định chặt chẽ về việc đăng ký sử dụng sim điện thoại? Chính sự quản lý quá lỏng lẻo của các nhà mạng dẫn đến sim rác tràn lan. Nhà mạng không thể vô can trong vấn đề này”, BĐ Minh Anh thẳng thắn.
Cùng quan điểm, BĐ Cat Loc viết: “Nạn nhân bị khủng bố, quấy rối cũng từ những loại sim rác của các nhà mạng bán tràn lan mà ra. Đề nghị Bộ Công an và Bộ TT-TT mạnh tay trấn áp loại tội phạm nguy hiểm này; đồng thời xử lý nghiêm nhà mạng nào cố tình vi phạm, phạt thật nặng để răn đe”.
“Đầu tiên phải làm rõ những số điện thoại gọi đến đe dọa đòi nợ. Về số điện thoại thì các nhà mạng phải có trách nhiệm quản lý chủ thuê bao hoặc người đứng tên. Đã có quy định về quản lý thuê bao số điện thoại để không còn tình trạng sim rác nhưng hiện tại vẫn còn những số điện thoại quảng cáo, số điện thoại rác làm phiền người khác. Trách nhiệm của các nhà mạng ở đâu?”, BĐ Phuong Vuong ý kiến.
BĐ Ngoc Thach viết: “Tôi nghĩ cơ quan nhà nước nên siết chặt hơn về việc quản lý thông tin thuê bao số điện thoại; kết hợp các ứng dụng công nghệ xác minh thuê bao chính chủ, tăng trách nhiệm của thuê bao sử dụng cũng như phạt nặng và thu hồi số điện thoại khi có các dấu hiệu phạm tội”.
Cần giải quyết tận gốc tình trạng tín dụng đen và đòi nợ “khủng bố” kiểu này để lấy lại sự yên bình cho xã hội.
N.Q
Có phải do luật chưa đủ sức chế tài nên bọn tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, khủng bố người dân lộng hành? Quốc hội nên sửa luật tăng mức hình phạt để răn đe.
Dung Nguyen
Công an cần vào cuộc điều tra, bắt được thì phạt tù thật nặng để răn đe.
Tam Anh
Bình luận (0)