Bỗng dưng được người lạ hứa... cho hơn 1,6 triệu USD: Để không trở thành nạn nhân

Thanh Nam
Thanh Nam
02/11/2023 06:00 GMT+7

Chuyên gia lưu ý với mọi người, rằng "dưới mồi thơm sẽ có cá chết", những "miếng pho mát" miễn phí chỉ có trong "bẫy chuột". Cần phải biết và lưu tâm những điều đó để không trở thành nạn nhân của lừa đảo.

Xoay quanh loạt bài viết "Bỗng dưng được người lạ hứa... cho hơn 1,6 triệu USD", phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, Bộ Công an.

"Chiếm đoạt thủ tục trả trước"

Theo thượng tá Hiếu, câu chuyện bỗng dưng được người lạ hứa... cho hơn 1,6 triệu USD là trò lừa rất phổ biến hiện nay trên không gian mạng, đặc biệt là qua mạng xã hội.

Các đối tượng lừa đảo sẽ gửi email (như với trường hợp của phóng viên đã chia sẻ trong 2 bài viết trước), gửi lời kết bạn với những người sử dụng mạng xã hội.

Bỗng dưng được người lạ hứa... cho 1,6 triệu USD: 'Dưới mồi thơm sẽ có cá chết!' - Ảnh 1.

Tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, Bộ Công an

NVCC

"Màn một" là kẻ lừa đảo sẽ giả mạo, "vào vai" thành những người giàu có. Đặc biệt là thủ đoạn tự giới thiệu là quân nhân Hoa Kỳ, đang chiến đấu tại chiến trường Syria, Trung Đông. Kẻ lừa đảo sẽ khoe có được những khoản tiền rất lớn, muốn chuyển về Việt Nam, để gửi nhờ hoặc tặng.

Bên cạnh đó cũng có những kẻ lừa đảo thì tỏ tình yêu đương, rồi sau đấy nói rằng muốn gửi quà, tiền về Việt Nam. Kẻ lừa đảo sẽ lấy địa chỉ, thông tin cá nhân của người nhận (tức nạn nhân), gửi cả những hình ảnh liên quan đến số tiền để tạo lòng tin.

Tiếp đến là "màn hai", những đối tượng khác sẽ đóng vai người của hải quan, các công ty chuyển phát hàng hóa… gọi điện thoại cho nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để đóng thuế hải quan, phí thông quan hoặc "vẽ" ra nhiều loại khoản tiền khác.

"Trước món lợi rất là lớn như vậy, thì lòng tham sẽ được kích hoạt lên, sẵn sàng làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo đã thông báo và chuyển tiền. Có nhiều người đi vay tiền, cắm cả sổ đỏ chuyển tiền đến các tài khoản mà đối tượng cho. Sau đó bị chiếm đoạt. Trong khi đó, "người yêu" trước kia, những người đã từng quen biết trên mạng và hứa hẹn sẽ tặng quà, gửi tiền về thì cũng đã mất kết nối, chặn Facebook và cao chạy xa bay", thượng tá Hiếu cho hay.

Theo thượng tá Hiếu, về bản chất, đây là trò lừa "chiếm đoạt thủ tục trả trước". Trò lừa này khá phổ biến và có rất nhiều biến thể. "Nhưng đều có điểm chung là dụ dỗ nạn nhân. Kẻ lừa đảo đã cho nạn nhân đứng trước những "mối lợi tưởng tượng". Biến thể của trò lừa này còn có: "ông chú Viettel" một thời rầm rộ trước đây, quay số trúng thưởng ngẫu nhiên, tri ân khách hàng… Những trò lừa này đều đưa ra những mối lợi để làm mồi bẫy nhằm câu nhử nạn nhân", thượng tá Hiếu nói.

"Bức tường lửa" để bảo vệ túi tiền

Vị tiến sĩ tội phạm học chia sẻ thêm: "Nếu nạn nhân thiếu hiểu biết, và có tính hám lợi làm mờ mắt thì sẽ thực hiện theo những yêu cầu của kẻ lừa đảo, dẫn đến việc mất tiền. Hãy biết rằng tất cả những thông tin mà kẻ lừa đảo đưa ra đều là sai sự thật, chỉ là "bánh vẽ". Mọi người cần phải biết rằng không có một mối lợi nào mà tự nhiên xuất hiện trong cuộc đời".

Thượng tá Hiếu khuyên: "Mọi người phải tiết chế lòng tham, đừng đặt lòng tin vào những người không quen biết trên mạng mà lại hứa hẹn chuyển, gửi tặng số tiền khổng lồ, thông báo trúng thưởng... Cần phải rèn tư duy kiểm tra, kiểm chứng. Ví dụ có những chương trình trúng thưởng nhân danh các công ty, doanh nghiệp… thì thông qua nhiều cách khác nhau có thể kiểm tra thực hư. Nếu có thì các công ty sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai trên truyền hình chứ không phải nhắn tin qua messenger, thông báo qua mạng xã hội. Trên mạng xã hội có nhiều thông tin thất thiệt, vậy nên đừng vội đặt lòng tin dẫn đến việc mất tiền".

Bỗng dưng được người lạ hứa... cho 1,6 triệu USD: 'Dưới mồi thơm sẽ có cá chết!' - Ảnh 2.

Loạt bài viết "Bỗng dưng được người lạ hứa... cho hơn 1,6 triệu USD" cảnh báo mọi người cẩn thận trước trò lừa đảo "chiếm đoạt thủ tục trả trước"

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng theo tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, trò lừa mà Báo Thanh Niên chuyển tải qua loạt bài viết "Bỗng dưng được người lạ hứa... cho hơn 1,6 triệu USD" từng được các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn tiếp tục có những người sập bẫy.

"Mọi người cần phải cập nhật những thông tin an ninh trật tự, đọc những khuyến cáo của cơ quan chức năng thông qua báo chí để rút ra cho bản thân những kỹ năng phòng ngừa. Ý thức cảnh giác của mỗi người chính là "bức tường lửa" để bảo vệ túi tiền. Chứ đừng để xảy ra sự việc bị lừa đảo rồi đi trình báo thì khả năng điều tra, tìm kiếm, thu hồi lại tài sản là vô cùng khó khăn", thượng tá Hiếu nói.

Katie Higgins và "công ty giao hàng"... năn nỉ phóng viên chuyển tiền

Trong những ngày qua, 2 địa chỉ katiehigg36@gmail.comglobalfastlinkservices@mail.com liên tục gửi email cho tôi để thúc giục việc chuyển tiền đóng phí thông quan 31 triệu. Rất nhiều lời lẽ "ngon ngọt" được gửi đến để dụ dỗ chuyển tiền. Đáp lại các email ấy, tôi chỉ "nhây" với nội dung muốn đưa tiền trực tiếp chứ không đồng ý chuyển khoản. Vô số email có nội dung hối thúc, thậm chí… năn nỉ tôi chuyển tiền.

Sáng ngày 1.11, tôi gửi link 2 bài báo cho cả 2 địa chỉ email trên. Kể từ đó, Katie Higgins và công ty giao hàng… mất dạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.