Bong Joon Ho: 'Quái kiệt' điện ảnh Hàn Quốc

Thế Sang
Thế Sang
14/01/2020 07:31 GMT+7

Nhờ tài năng cũng như tư duy làm phim khác nhiều đạo diễn cùng thời, Bong Joon Ho đã đưa điện ảnh xứ kim chi chạm tay đến nhiều giải thưởng danh giá quốc tế trong lịch sử 100 năm phát triển.

Mãi đến năm 30 tuổi, sau hàng loạt phim ngắn, đạo diễn Bong Joon Ho mới cho ra đời tác phẩm dài đầu tiên mang tên Barking dogs never bite (Chó sủa thì không cắn).
Trong suốt 20 năm sự nghiệp với 7 phim, cứ trung bình vài năm ra một phim, ông không chỉ là người góp những thanh âm hết sức đặc biệt vào lịch sử điện ảnh Hàn Quốc mà còn cùng với những đạo diễn khác, ông đưa điện ảnh nước nhà giới thiệu với nửa còn lại của thế giới

Ngay từ tác phẩm đầu tay, Bong Joon Ho đã xác định cho mình phong cách làm phim cùng những chủ đề chính yếu mà ông sẽ theo đuổi

Ảnh: Cinema Service/Showbox Entertainment/CJ Entertainment

Hài kịch đen

Đạo diễn Bong Joon Ho đã mượn yếu tố hài kịch đen (black humor) bắt nguồn từ văn hóa phương Tây và "nhào nặn" lại trong phim mình. Phong cách làm phim hài kịch đen là cách mà đạo diễn mượn những vấn đề nghiêm trọng, tối kỵ (thường đặt trong văn hóa nước mình) để tạo tiếng cười, mục đích là để giễu nhại những thói tật xấu xí của con người, xã hội. Và tác phẩm đầu tiên của đạo diễn 51 tuổi là Chó sủa thì không cắn đã cho thấy rõ điều này. 

Cả nhà Park Gang Du "quậy" tưng bừng tại đám ma tập thể trong phim Quái vật sông Hàn

Ảnh: Showbox Entertainment

Từ Chó sủa thì không cắn, kiểu hài đen tối được ông phát triển lên qua các phim như Memories of murder (Hồi ức kẻ sát nhân - 2003), The Host (Quái vật sông Hàn - 2006), Mother (Người mẹ - 2009), Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá - 2013), Okja (Siêu lợn2017) và được đẩy lên đỉnh điểm trong Parasite (Ký sinh trùng).
Chẳng hạn như trong Quái vật sông Hàn, cảnh gia đình Park Gang Du (Song Kang Ho) khóc lóc và vật lộn trong cái đám ma tập thể do một con quái vật đột biến gây nên khiến báo đài phải chú ý. Hay như trong Mother, nhân vật người mẹ do Kim Hye Ja đóng đã nấp trong tủ quần áo và chứng kiến một cặp nam nữ mây mưa khi bà đến nhà anh ta để tìm manh mối, chứng minh cho đứa con trai thiểu năng của mình vô can trong vụ giết người...

Yêu mến đạo diễn Bong Joon Ho ngay từ tác phẩm Chó sủa thì không cắn, diễn viên Song Kang Ho lúc ấy tìm đến và xin hợp tác với ông. Ông đã tin tưởng và giao cho nam nghệ sĩ các vai trong những phim như Hồi ức kẻ sát nhân, Quái vật sông Hàn, Chuyến tàu băng giá Ký sinh trùng. Tại Liên hoan phim Cannes, Bong Joon Ho đã quỳ gối và trao tượng vàng cho ‘chàng thơ’ của mình

Ảnh: WireImage

Đằng sau những tiếng cười đó, Bong Joon Ho giễu nhại những thứ đen tối, dị hợm trong lòng xã hội hiện đại xứ kim chi. Trong Chó sủa thì không cắn, ông giễu tình trạng mua quan bán chức; trong Mother, ông giễu hệ thống luật pháp; trong The Host, ông phơi bày tình trạng môi trường bị phá hoại bởi con người mà con quái vật như là một ẩn dụ nghệ thuật. Còn trong Ký sinh trùng, ông khoét sâu đến tận cùng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và nghèo. Chính việc trái khoáy ở chỗ nhân vật thì nước mắt hai hàng còn khán giả thì cười khoái trá đã khiến chính người xem truy vấn ngược lại nụ cười của mình. 

"Ký sinh trùng" làm nên lịch sử, giảnh giải phim hay nhất tại Oscar 2020

Cái nghèo

Một trong những yếu tố làm nên sự đặc biệt trong phong cách của Bong Joon Ho còn nằm ở việc ông suy tư về con người, mà cụ thể ở đây là người nghèo. Cái nghèo, cũng như tiền bạc, là thứ trở đi trở lại trong phim của ông. Bong Joon Ho từng tiết lộ rằng tuy gia đình ông khá giả nhưng cuộc đời ông gặp nhiều người nghèo. Thuở sinh viên, Bong Joon Ho từng chật vật kiếm tiền nên việc ông khắc họa nên cái nghèo trong Ký sinh trùng hay các tác phẩm trước nó, vì thế mang tính chân thực. 
Trong Chó sủa thì không cắn, anh giảng viên Ko Yun Ju loay hoay xoay sở 10 triệu won để đút lót; người mẹ trong Mother thì chạy vạy mượn tiền để lo cho đứa con trai đang ở tù; trong Ký sinh trùng đó là một gia đình "ký sinh" vào một gia đình khác để tồn tại; trong Quái vật sông Hàn đó là anh chàng Park Gang Du không công ăn việc làm ổn định, cả nhà phải lo tiền để mua vũ khí giết con quái vật. Hay trong Chuyến tàu băng giá, đó là cả một tầng lớp người nghèo luôn bị đàn áp. Đẩy nhân vật đến tận cùng như thế, khiến họ phải liên tục đấu tranh để vươn lên trong xã hội, đó cũng là ý nghĩa nhân văn mà đạo diễn muốn gửi gắm. 

Chủ đề cái nghèo thực ra chỉ là một trong nhất nhiều chủ đề trong phim của Bong Joon Ho

Ảnh: CJ Entertainment

Khi trả lời báo chí Mỹ, Bong Joon Ho bộc bạch: “Tôi luôn có gắng miêu tả cái nghèo trong những câu chuyện riêng một cách khách quan".

Phim đa thể loại

Phim của Bong Joon Ho đều chứa đựng từ hai thể loại trở nên. Trong Chó sủa thì không cắn, tác phẩm khởi đầu cho phong cách của ông, vừa là phim gia đình, chính kịch, trinh thám. Đến Mother, cũng xoáy vào đề tài gia đình, nhưng xuyên suốt phim lại là câu chuyện điều tra tội phạm và kết phim lại là "cú ngoặt" làm rùng mình khán giả bằng yếu tố tâm lý. Ở The HostSnowpiercer, đó là sự pha trộn giữa chất khoa học viễn tưởng với yếu tố gia đình. Hay đỉnh điểm như Parasite (Ký sinh trùng), ông dắt tay khán giả vào một câu chuyện ban đầu tưởng như là phim gia đình nhưng cuối cùng lại rẽ sang thể loại hồi hộp, giật gân với nhiều chi tiết máu me...
Với nhiều đặc trưng trong phong cách làm phim, Bong Joon Ho đã nỗ lực đưa lên màn bạc những "vết thương" âm ỉ trong xã hội Hàn Quốc bằng một nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, xen lẫn với kỹ thuật điện ảnh được trau chuốt kỹ lưỡng, tài hoa. 

Đạo diễn đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử 100 năm điện ảnh Hàn Quốc

Đạo diễn Bong Joon Ho sinh năm 1969 tại thành phố Daegu (Hàn Quốc). Ông được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mà cụ thể là phim ảnh của Mỹ từ rất sớm. Trong gia đình của đạo diễn, trước đó không có ai theo con đường làm phim. 
Đạo diễn  Bong Joon Ho nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất trên sân khấu Oscar 2020
Trước khi trở thành đạo diễn trẻ, triển vọng của điện ảnh Hàn thập niên 2000, ông học tập và chịu ảnh hưởng bởi các đạo diễn lớn của thế giới như Alfred Hitchcock, Henri-Georges Clouzot... 
Đối với điện ảnh nước nhà, ông đặc biệt yêu mến bộ phim đen trắng The Housemaid (1960), vốn là một trong những tác phẩm tiêu biểu thuộc thời kỳ vàng son của điện ảnh Hàn Quốc. Năm 1966, chính phủ Hàn Quốc chọn ngày 27.10.1919 là ngày khai sinh của điện ảnh nước này. Sự kiện đạo diễn Bong Joon Ho thắng giải Cành cọ vàng nhờ phim Parasite (Ký sinh trùng) vào tháng 5.2019 trên đất Pháp đã trở thành cột mốc nổi bật trong lịch sử 100 năm phát triển của điện ảnh xứ kim chi. Ông trở thành nhà làm phim đầu tiên của Hàn Quốc thắng giải Cành cọ vàng.
Vừa qua, ông đoạt tiếp giải Quả cầu vàng 2020 hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc cũng nhờ Parasite. Đặc biệt ở mùa giải Oscar 2020 do Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tổ chức, Ký sinh trùng đã giành chiến thắng ngoạn mục ở 4 hạng mục quan trọng gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc và Phim quốc tế xuất sắc nhất. Parasite cũng được vinh danh tại "giải Oscar của Anh" BAFTA năm 2020 chỉ vài ngày trước khi Oscar diễn ra.
Trước đó tại giải Critics' Choice 2020, Bong Joon Ho đã xuất sắc nhận tượng vàng 2 hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất (chiến thắng kép cùng với đạo diễn Sam Mendes) và Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.