BOT 'giăng lưới' lùa xe

20/08/2017 07:23 GMT+7

Trạm thu phí BOT giống như tấm lưới giăng ra lùa hết xe cộ của người dân để lấy tiền.

Với “phương châm” làm dự án BOT trên nền những tuyến độc đạo rồi đặt trạm thu phí, thậm chí dự án làm nơi khác cũng mang trạm đặt ở những tuyến độc đạo đông xe, trạm thu phí BOT giống như tấm lưới giăng ra lùa hết xe cộ của người dân để lấy tiền.
“Nhiều quá không nhớ bao nhiêu trạm”
Ông Hà Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà, chia sẻ phí BOT với các tuyến vận tải đường ngắn khiến doanh nghiệp méo mặt. Xe container bốc hàng từ Nhà máy bia Trung Hà (Tam Nông, Phú Thọ) về Sơn Tây (Hà Nội) hoặc từ cảng Sơn Tây lên Tam Nông khoảng 36 km, chi phí chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/chuyến, nhưng bây giờ quay đi quay về đã mất 200.000 đồng phí/lượt qua trạm BOT Tam Nông, 2 lượt đi về là 400.000 đồng/chuyến, bằng 1/3 chi phí vận chuyển. Hay xe tải nửa tấn chở rau, hoa quả trên cùng tuyến chỉ mất 300.000 đồng chi phí mỗi chuyến, nhưng riêng tiền phí qua trạm BOT Tam Nông đã phải gánh thêm 70.000 đồng/2 lượt!
Mạng lưới trạm thu phí trên QL1A Đồ họa: Du Sơn - Duy Quang
Cũng theo ông Ngọc, dù Bộ GTVT nhiều lần nói không có chuyện phí chồng phí, nhưng thực tế doanh nghiệp (DN) đang phải gánh 2 lần phí. “Xe tải trên 15 tấn cứ 6 tháng lại mất 8,7 triệu đồng tiền đăng kiểm. Nhưng rất nhiều đoạn quốc lộ (QL) đặt biển cấm xe tải từ 15 tấn trở lên, người dân không còn tuyến nào miễn phí để đi, buộc phải đi vào các tuyến có trạm thu phí. Người dân không có quyền lựa chọn đường, như cá chui vào các hom các rọ chính là các trạm thu phí”, ông Ngọc bức xúc.


Xe tải trên 15 tấn cứ 6 tháng lại mất 8,7 triệu đồng tiền đăng kiểm. Nhưng rất nhiều đoạn quốc lộ đặt biển cấm xe tải từ 15 tấn trở lên, người dân không còn tuyến nào miễn phí để đi, buộc phải đi vào các tuyến có trạm thu phí. Người dân không có quyền lựa chọn đường, như cá chui vào các hom các rọ chính là các trạm thu phí

Ông Hà Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà


Anh Phú, chủ hộ kinh doanh có xe tải thường chở hàng từ TP.HCM ra bắc, cho biết trước kia tiền phí chỉ 10.000 - 20.000 đồng/lượt, nay tăng lên tới 30.000 - 35.000 đồng/lượt. “Nói thật, từ TP.HCM ra Hà Nội nhiều trạm quá, chúng tôi không nhớ nổi có bao nhiêu. Chỉ biết mỗi chuyến xe tải 1,5 tấn từ TP.HCM - Đà Nẵng hiện nay mất 1 triệu qua các trạm thu phí, trong khi trước kia chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng, tăng gấp 3 lần!”, anh Phú nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm HTX vận tải Bắc Nam, cho biết với mỗi xe container 40 feet vận chuyển hàng từ Hà Nội vào TP.HCM hết 9 triệu đồng tiền phí/chuyến đi về, trong khi tiền xăng dầu cho mỗi chuyến chỉ gần 20 triệu đồng. “Tiền phí bằng một nửa tiền xăng dầu, giá thành vận tải tăng, giá cước tăng thì cuối cùng là người tiêu dùng chịu”, ông Việt Anh nói.
“Mạng nhện” trạm thu phí
Theo giới vận tải, trạm thu phí BOT như mạng nhện bủa vây Hà Nội, TP.HCM, những vùng kinh tế lớn từ đồng bằng sông Hồng, dọc xương sống QL1 đến vùng Đông Nam bộ, miền Tây. Trên QL1 từ Tiền Giang - Bạc Liêu có tới 4 trạm thu phí: BOT Cai Lậy (xã Bình Phú, Cai Lậy, Tiền Giang), trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (Q.Cái Răng, Cần Thơ), trạm BOT Sóc Trăng (Châu Thành, Sóc Trăng) và BOT Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Trên QL91 có 3 trạm thu phí số 1 (T1) tại Q.Ô Môn (Cần Thơ), trạm số 2 (T2) P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt (Cần Thơ), giáp TP.Long Xuyên (An Giang).
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí ở Trạm thu phí Cầu Rác, tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: Phạm Đức
Hà Nội, TP.HCM cùng chịu chung số phận khi ở trung tâm của “mạng nhện” thu phí, người dân ra cửa ngõ đã phải trả tiền. Tất cả các hướng dẫn về Hà Nội đang bị bủa vây bởi trạm thu phí: lên QL6 Xuân Mai - Hòa Bình vướng trạm QL6; phía bắc thì vướng trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới; hướng Phú Thọ vướng phí trạm Tam Nông, trạm cầu Việt Trì; hướng nam là trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ... Điển hình nhất là tuyến đường khiến nhiều tài xế than trời khi từ Hà Nội về Thái Bình chỉ hơn 100 km phải chui qua 4 trạm BOT gồm Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Trạm thu phí Mỹ Lộc và Trạm thu phí Tân Đệ.


Trách nhiệm thuộc Bộ GTVT và Bộ Tài chính
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, trách nhiệm trong việc để xảy ra những vi phạm trong đầu tư các dự án BOT thuộc về Bộ GTVT. Bởi theo quy định đây là cơ quan đứng ra làm tất cả các thủ tục từ lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt thời gian thu phí, thỏa thuận mức thu tại từng trạm. Tuy nhiên, Bộ GTVT bỏ qua đấu thầu để chỉ định cho nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém, “tay không bắt giặc". Còn Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan xem xét, kiểm tra các mức phí, thời gian thu... đã không thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng. Đặc biệt, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.
Anh Vũ


Tương tự, TP.HCM cũng bị mạng lưới trạm thu phí bủa vây mọi cửa ngõ, từ QL1, QL51, QL1K đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Những địa phương được xem là cửa ngõ vào TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cũng dày đặc trạm thu phí. QL1 đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã có 2 trạm BOT là trạm QL1 - tuyến tránh TP.Biên Hòa (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) và Trạm thu phí cầu Đồng Nai. Từ Dầu Giây đến TP.HCM chưa đầy 80 km nhưng phải qua 2 trạm ở Đồng Nai và một trạm thu phí xa lộ Hà Nội tại Q.9 (TP.HCM). Chỉ tính riêng Đồng Nai đã có 6 dự án BOT do Bộ GTVT cấp phép là BOT đường tránh TP.Biên Hòa, QL1, QL1K, QL51, QL20 và dự án cầu Đồng Nai mới, chưa kể 4 dự án BOT khác mà Đồng Nai là chủ đầu tư gồm BOT đường 760, BOT đường 768 nối TP.Biên Hòa với H.Vĩnh Cửu, BOT đường 319 nối dài thuộc huyện Nhơn Trạch và BOT đường Tân Cang (Phước Tân, Biên Hòa).
Bỏ ngay kiểu BOT “tay không bắt giặc”
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội, Bộ GTVT nói người dân có quyền lựa chọn, bên cạnh đường cũ có đường mới, nhưng thực tế rất nhiều đường độc đạo, hoặc đặt trạm ở vị trí “không lối thoát” thu phí cả tuyến mới lẫn tuyến cũ mà ngân sách đầu tư trước đây nay chỉ trải thảm lại. “Thông tư 197 nêu rõ sửa chữa, nâng cấp đường bằng nguồn quỹ bảo trì đường bộ mà người đi ô tô đóng góp, nói cách khác là đường cũ thu trên đầu phương tiện, đường mới thu trên xe chạy qua trạm, nhưng thực tế lại rất nhập nhèm, thu phí cả 2 đường”, ông Liên nói. Cũng theo chuyên gia này, những tồn đọng của các dự án BOT đã nói quá nhiều, quá lâu nhưng chậm được sửa chữa, Bộ GTVT và các bộ liên quan không tôn trọng ý kiến của người dân hay các chuyên gia, hiệp hội.
Trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An, Hà Tĩnh) đã từng là nơi bức xúc, phản ứng của người dân Ảnh: Phan Ngọc
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, chủ trương huy động vốn tư nhân để nâng cấp, xây dựng mới là đúng đắn vì kinh phí ngân sách eo hẹp. Nhưng sự huy động ồ ạt vốn BOT những năm vừa qua đã để lại 4 bất cập chính khiến người dân bức xúc nặng nề. Thứ nhất là người dân không có quyền lựa chọn, vì trạm thu phí BOT bủa vây, làm trên đường độc đạo hoặc thu cả 2 đường. “Nhiều nhà đầu tư chỉ bỏ ra một khoản tiền nhỏ để thảm lại đường, nhưng mức thu phí thì rất cao, thu luôn cả tiền xây dựng cơ bản ban đầu mà ngân sách đã bỏ ra khi xây dựng tuyến cũ”, ông Thanh nói.
Trạm thu phí QL1 (H.Trảng Bom, Đồng Nai) Ảnh: Bạch Long
Thứ hai là trạm thu phí đặt không đúng vị trí nên người dân bức xúc, có những trạm đặt ở vị trí người dân không sử dụng thì bức xúc bội phần, như trạm Cai Lậy, đường tránh TP.Vinh, tới đây có thể là Thái Nguyên - Chợ Mới. Đặt trạm kiểu tận thu, sai vị trí, gây bức xúc cho người dân ghê gớm.
Thứ ba là chất lượng đường không tương xứng với giá phí rất cao người dân phải trả.
Thứ tư là mức thu phí cao do tổng mức đầu tư cao, mà nguyên nhân chủ yếu do làm đường dựa trên vốn vay, lãi suất cao.
Tài xế phản ứng dùng tiền lẻ trả phí gây nên ùn tắc ở Trạm thu phí Cai Lậy Ảnh: Phạm Hữu
Theo các chuyên gia, giải quyết được bốn bất cập trên không dễ, khi những sai phạm đã thành hệ thống. Tuy nhiên, những bức xúc chính đáng của dân thì không thể mãi “làm ngơ”. Phải quyết liệt giải quyết, dám nhận sai để sửa, thậm chí truy cứu trách nhiệm những người làm sai… “Quan trọng là sau này không để các DN làm BOT kiểu “tay không bắt giặc”, vay ngân hàng rồi bắt dân gánh luôn lãi suất đi vay thông qua thu phí. Trạm thu phí BOT phải đặt giữa tuyến đường BOT, tránh những nhập nhèm kiểu tận thu như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thanh khuyến nghị.
Hiệp hội Vận tải TP.HCM kiến nghị dời Trạm thu phí Cai Lậy
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ GTVT về Trạm thu phí Cai Lậy.
Theo công văn, hiệp hội này cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng mới tuyến tránh và duy tu cải tạo mặt đường, cầu trên đoạn tuyến Cai Lậy, Cái Bè, QL1 tỉnh Tiền Giang là cần thiết, giúp cho việc đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn của đơn vị tư nhân để cải tạo là chưa thật phù hợp, và gộp chung đoạn duy tu vào dự án để thu dẫn tới đặt vị trí trạm thu trên QL1 không cho người dân có sự chọn lựa là không hợp lý, gây bất bình, tạo ra sự phản ứng của DN và người dân trong khu vực dự án. Mặc dù Bộ GTVT đã có điều chỉnh giảm giá thu nhưng còn nhiều DN chưa thật sự đồng tình. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nêu 3 kiến nghị với Bộ GTVT như sau:
1. Xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư, cải tạo sửa chữa mặt đường và cầu đoạn 26,5 km bằng nguồn vốn ngân sách hoặc quỹ bảo trì đường bộ, không đưa giá trị đầu tư đoạn này vào thu chung với đoạn tuyến tránh vì đoạn tuyến trên đã được đầu tư bằng vốn ngân sách và hằng năm DN đã đóng phí bảo trì đường bộ;
2. Khi đã bố trí nguồn vốn khác thì di dời vị trí đặt trạm vào đầu tuyến tránh để tổ chức thu cho phù hợp;
3. Xem xét điều chỉnh giảm mức thu trên cơ sở quyết toán đầu tư tuyến tránh với thời gian tương ứng hợp lý. Công khai minh bạch cho người dân và các tổ chức xã hội được biết.
M.Khanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.