Tổng cục Đường bộ và Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hoà đã thống nhất từ 1.12 tới sẽ giảm 100% phí qua trạm Ninh An cho chủ nhiều loại xe ở các xã giáp trạm. Cụ thể, giảm toàn bộ phí cho các xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt chở khách công cộng ở các xã Ninh Lộc, Ninh Quang và phường Ninh Hà thuộc thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, các xe vệ sinh môi trường hoạt động công ích, không thuộc các đơn vị kinh doanh, cũng được giảm toàn bộ phí.
Trước đó, từ ngày 1 - 2.11, một số lái xe (chủ yếu là người địa phương) khi lưu thông qua Trạm thu phí BOT Ninh An đặt trên quốc lộ (đoạn qua xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) đã dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm, khiến giao thông nơi đây ùn ứ khoảng 2 km. Lực lượng chức năng đã có mặt điều tiết giao thông, đến trưa 2.11, trạm thu phí đã hoạt động bình thường trở lại.
Cho rằng hiện tượng ùn tắc tại trạm thu phí “có dấu hiệu bị kích động” bởi một cá nhân cư trú tại khu vực gần trạm, thực hiện hành vi trả tiền lẻ, tự quay video clip phát tán lên mạng xã hội, nhà đầu tư này đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, trong đó có Công an thị xã Ninh Hoà, đề nghị can thiệp.
Đầu năm 2016, Trạm thu phí BOT Ninh An được dời vào xã Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa) tại Km1425+200 nhằm hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Ninh Hòa, theo hình thức hợp đồng BOT. Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa cũng có một trạm thu phí BOT trên quốc lộ 26 đặt tại xã Ninh Xuân.
Một số lái xe đã dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) khiến giao thông nơi đây kẹt xe nghiêm trọng.
Nhiều người địa phương bức xúc vì không đi qua các đoạn đường đầu tư bằng vốn BOT nhưng vẫn bị thu phí cũng như việc có tới 2 trạm thu phí tại 1 thị xã.
Trạm thu phí BOT Ninh An thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km1374+525 đến Km1392 và Km1405 đến Km1425, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian 14 năm 5 tháng.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện có 38/39 dự án đã thống nhất giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú lân cận trạm thu giá, trong đó 11 dự án đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giảm, 27 dự án đã thống nhất về nguyên tắc và báo cáo Bộ xem xét.
Có 13 dự án không tổ chức đàm phán là các dự án có phương án tài chính không khả thi, dự án có mức giá thấp, thời gian thu còn lại ngắn.
Bình luận (0)