Chúng làm thay đổi quan hệ giữa chính quyền dân sự và giới quân sự. Chúng cần thiết nhưng đồng thời đầy rủi ro đối với ông Mursi.
Ông Mursi không chỉ cho cả tổng tư lệnh lẫn tổng tham mưu trưởng và một loạt tướng tá về hưu mà còn hủy bỏ tất cả những quyết định của Hội đồng quân sự về cắt giảm quyền lực của tổng thống và quốc hội cũng như tăng thêm quyền hạn cho quân đội và tòa án hiến pháp. Lâu nay, cả hai thế lực này vẫn tìm cách làm cho Tổng thống Mursi có tiếng nhưng không có miếng.
Nếu muốn thực sự nhiếp chính thì ông Mursi không thể hành động khác. Chừng nào Hội đồng quân sự còn tồn tại với những gương mặt tướng lĩnh như từ khi có chính biến đến nay thì chừng đó ông không thể có thực quyền. Cho nên ông Mursi phải hành động để chấm dứt tình trạng bị giới quân sự kiểm soát và giành lại vị thế kiểm soát. Rủi ro cũng chính ở chỗ đó. Nếu việc thay đổi nhân sự được trao đổi trước thì không sao nhưng nếu ông Mursi manh động thì chắc chắn quân đội không để yên.
Có lẽ để trấn an giới quân sự mà Tổng thống Ai Cập mới chỉ bớt quyền chứ chưa tước hết quyền của họ. Những tướng lĩnh bị cho về hưu được sử dụng làm cố vấn cho tổng thống. Một vài thành viên của Hội đồng quân sự được bổ nhiệm vào trọng trách mới. Có thể nói cuộc tranh giành quyền lực đã có bước ngoặt quyết định, nhưng còn lâu mới ngã ngũ.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)