Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện chiều 5.6, đa số câu hỏi mà ông nhận được liên quan đến thương mại hóa tâm linh, sự xuất hiện liên tiếp của các chùa lớn, mà đại biểu Nguyễn Mai Bộ gọi là “chùa BOT”, sự biến tướng của tín ngưỡng, lễ hội, sự lớn mạnh của mê tín, dị đoan, buôn thần bán thánh... Cũng tương tự, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận được một loạt câu hỏi về những khu “du lịch tâm linh” hàng ngàn héc ta, nhập nhèm công - tư.
Không phải tự nhiên mà đại biểu hỏi nhiều như thế. “Tâm linh” giờ đã không còn là nơi giải thoát người ta khỏi những áp lực đời thường, mà thành nỗi ám ảnh.
tin liên quan
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng việc quan chức đóng cổ phần xây 'chùa BOT'Xã hội toàn sợ hãi thì có lành mạnh được không?
Thay vì tìm đến thế giới tâm linh để được năng lượng chia sẻ, để được sống thanh thản, người ta bị cho là đã mắc “nợ” - những tội lỗi vô hình mà họ đã mắc từ bao nhiêu kiếp trước, phải cúng tế, xin xỏ hằng ngày, hằng tháng để được tha cho.
“Không có khái niệm chùa BOT đâu. Chúng ta đừng có lấy những công trình tín ngưỡng, tôn giáo để nói như thế là không được. Xúc phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo là không được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở như vậy khi đại biểu đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng những “chùa BOT” mà đại biểu nhắc đến không phải là những “công trình tín ngưỡng, tôn giáo” mà Chủ tịch Quốc hội lo là đại biểu xúc phạm.
Nếu nhìn vào thực tế, điểm “hút khách” của các khu du lịch lớn mới mọc lên gần đây không phải là thiên nhiên, là rừng, là biển, mà là những ngôi chùa mới toanh, cái sau hoành tráng hơn cái trước, thì sẽ thấy rằng chất vấn của đại biểu không phải là không có cơ sở. Đặc biệt, khi chúng ta không phải chưa từng nhìn thấy những “sư Maybach”, “sư Vertu”, “một người đi tu cả họ được nhờ”. Những người này không đại diện cho Phật giáo, và khi lên án những người này không có nghĩa là xúc phạm Phật giáo.
Không chỉ lo sợ xã hội lệch chuẩn vì buôn thần bán thánh, nhiều đại biểu còn sợ tâm linh không còn dành cho người nghèo nữa. Nếu xưa kia, những ngôi chùa làng khiêm nhường sẵn sàng rộng cửa cho người ta bất cứ lúc nào, người càng bất hạnh càng hay tìm đến; thì nay không ít chùa thành nơi vay lộc, đua lễ, người nghèo làm sao mà theo được?
Người ta mong manh nhất ở phần hồn. Người ta sợ hãi nhất những gì họ không biết. Ai cũng mong tìm một nơi nương tựa. Không ai xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng gieo rắc sợ hãi để kiếm tiền, làm người ta mù quáng để kiếm tiền, thì phải ngăn chặn chứ?
Bình luận (0)