Bphone có phải là smartphone của Việt Nam?

29/05/2015 07:21 GMT+7

(TNO) Trong số vô vàn ý kiến đa chiều, chiều nào cũng hừng hực lửa, trên các mạng xã hội và báo chí điện tử trong mấy ngày nay, nhiều bạn vẫn thắc mắc về thân phận của Bphone, chiếc smartphone đầu lòng của Công ty Bkav. Ai cũng rõ cha mẹ của nó là người Việt hẳn hòi rồi. Vấn đề còn lấn cấn ở chỗ Bphone thật sự là một sản phẩm của Việt Nam hay chỉ là một thương hiệu Việt?

(TNO) Trong số vô vàn ý kiến đa chiều, chiều nào cũng hừng hực lửa, trên các mạng xã hội và báo chí điện tử trong mấy ngày nay, nhiều bạn vẫn thắc mắc về thân phận của Bphone, chiếc smartphone đầu lòng của Công ty Bkav. Ai cũng rõ cha mẹ của nó là người Việt hẳn hòi rồi. Vấn đề còn lấn cấn ở chỗ Bphone thật sự là một sản phẩm của Việt Nam hay chỉ là một thương hiệu Việt?

Trang công nghệ châu Á Tech In Asia ngày 26.5 vừa qua đã giới thiệu về Bphone với cái tít: "Đây là chiếc smartphone phát triển trong nước đầu tiên của Việt Nam" (Here’s Vietnam’s first homegrown smartphone). Cách đây hơn 2 năm, trang này có bài với cái tít: "FPT hy vọng sẽ xuất xưởng 600.000 chiếc smartphone mang thương hiệu của mình ở Việt Nam trong năm 2015" (FPT Hopes to Ship 600,000 Own-Brand Android Smartphones in Vietnam in 2013).

Thông tin 2 bài báo nói về smartphone của Việt Nam trên tờ Tech In Asia - Ảnh chụp màn hình
Để xác định quốc tịch của một sản phẩm, người ta không thể căn cứ vào cái giấy khai sinh ghi nơi nó ra đời. Cái nhãn xuất xứ "Made in Vietnam" là để chỉ các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam. Các sản phẩm đó có thể là của các thương hiệu quốc tế hay của Việt Nam được sản xuất hay hoàn thiện ở Việt Nam. Một chiếc smartphone Samsung Galaxy S6 cho dù có ghi nhãn "Made in Vietnam", nhưng rõ ràng nó là sản phẩm của Hàn Quốc. CPU Intel lắp ráp và kiểm định tại Nhà máy Intel Việt Nam ghi "Made in Vietnam" mà có ai dám nói đó không phải sản phẩm của Mỹ. Cũng tương tự như sản phẩm do một công ty Việt Nam và mang thương hiệu Việt Nam được gia công sản xuất ngay ở Việt Nam cũng không thể được coi là sản phẩm của Việt Nam nếu như không phải do chính công ty Việt Nam đó nghiên cứu phát triển ra.
Ai cũng hiểu là cái công thức ghi xuất xứ "Made in…" lâu nay vẫn bị sử dụng một cách lập lờ bao gồm cả hai nghĩa "sản xuất tại" (made in) và "sản phẩm của" (product of). Có một số sản phẩm ghi rõ là "Product of" của một nước hay một công ty và kèm thêm nơi sản xuất. Hầu hết các nhà sản xuất chọn cách ghi nhãn an toàn và dễ dàng hơn. Bởi ghi sản phẩm của một hãng nào đó thì quá dễ và chuẩn xác, còn ghi là sản phẩm của một nước nào đó thì phức tạp hơn, có khi bị đòi hỏi phải hội đủ những tiêu chuẩn nào đó mới được nhận là sản phẩm quốc gia. Có những hãng chọn giải pháp ghi minh bạch cho tất cả là ghi nguồn thiết kế và nơi lắp ráp. Như trên các đời iPhone, Apple sòng phẳng và tự bảo vệ mình, chống bị ai đó "thấy người sang bắt quàng làm họ" khi ghi xuất xứ dài dòng mà an toàn: "Được thiết kế bởi Apple ở California. Được lắp ráp tại Trung Quốc." Trong thời buổi mà cái label "Made in China" bị mất giá, thậm chí tẩy chay ở không ít nơi, nhiều hãng lớn của Đài Loan như Gigabyte, ASUS,…cũng chọn cách ghi xuất xứ như Apple để tránh bị "văng miểng".
Đằng sau chiếc Bphone được khắc dòng chữ "Designed by Bkav - Made in Vietnam" - Ảnh: T.Luân
Vậy nên có lẽ phải xét nghiệm ADN để xác định gien di truyền coi một sản phẩm là con của người nước nào. Mà thực tế và kinh nghiệm của đời cho thấy ai cũng "đứng tim" nếu như đứa con tưởng của mình hóa ra lại là sản phẩm gia công ké của lão hàng xóm.
Trước khi Bphone được "chiềng làng nước" sáng 26.5 tại Hà Nội, trên thị trường Việt Nam đã có những smartphone mang thương hiệu của các công ty Việt Nam như FPT, MobiStar, Mobiistar, Rovi Mobile (tên trước tháng 4.2015 là HKPhone),… Có những thương hiệu Việt đó được gia công ở nước ngoài, và cũng có những thương hiệu được lắp ráp và hoàn thiện ngay ở Việt Nam. Nhưng hầu như tất cả đều sử dụng mẫu mã của nước ngoài rồi in lên chúng những thương hiệu Việt. Cũng có một số hãng tích hợp vào thiết bị những phần mềm ứng dụng của những đối tác Việt Nam. Chỉ có điều, chẳng ai dám nhận đó là những sản phẩm của Việt Nam. Cách làm này rất phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ và những nước Đông Nam Á chung quanh ta. Có những nhà máy ở Trung Quốc chuyên sản xuất những sản phẩm OEM và hàng mẫu. Các công ty nước ngoài chỉ việc chọn mẫu đáp ứng nhu cầu của mình rồi cho in thương hiệu của mình lên. Ngon cơm và bài bản hơn thì cho nạp vào ROM các thông tin của mình và cài đặt thêm vào máy những màn hình nền, giao diện màn hình chủ, những ứng dụng riêng,… Họ phải chấp nhận chung chạ hình dáng sản phẩm với nhiều thương hiệu khác, thậm chí ngay cùng một nước. Bởi số lượng đặt hàng của họ không đủ để thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm. Giỏi lắm là thay cái ốp lưng nhựa. Và không phải hàng nào loại này cũng là hàng lởm hay cấp thấp. Vấn đề là cái tâm và cái tầm của hãng sở hữu thương hiệu. Đó là lý do mà có những thương hiệu Việt làm theo kiểu này lâu nay vẫn giữ được uy tín trên thị trường với những sản phẩm của mình.
Ngoài ra trên thế giới ngày nay có xu hướng là những nhà sản xuất thành phần nền tảng như Intel, AMD, NVIDIA và gần đây có thêm Qualcomm cũng đã đưa ra những sản phẩm mẫu tham chiếu (như Qualcomm Reference Design - QRD) dựa trên những con chip mới nhất của mình. Hãng OEM nào ưng ý cứ việc đặt hàng hay sử dụng làm mẫu rồi gắn thương hiệu của mình vô và đóng gói tung ra thị trường. Bạn không còn lạ với chuyện có nhiều loại card đồ họa y chang nhau chỉ khác cái nhãn. Ngay cả những OEM lớn cũng chọn giải pháp này cho các mẫu đại trà. Họ chỉ thiết kế lại theo style của mình ở dòng cao cấp. Và người tiêu dùng vẫn chấp nhận gọi một chiếc card đồ họa gắn nhãn ASUS là hàng của ASUS cho dù dùng mẫu thiết kế của NVIDIA hay AMD giống như Gigabyte.
Riêng với Bphone, Bkav đã đầu tư nghiên cứu phát triển smartphone của mình trong 4 năm với kinh phí nhiều triệu USD. Đội ngũ chuyên viên của họ thiết kế hình dạng thiết bị, nhiều chi tiết và cấu hình hệ thống kèm với việc tùy biến hệ điều hành Android 5.0 thành hệ điều hành riêng BOS cùng một số ứng dụng, công nghệ của riêng Bkav. Sau khi tạo ra được bản vẽ thiết kế, Bkav đã mua hơn 800 loại linh kiện điện tử và cơ khí từ 82 nhà cung cấp trên thế giới về lắp ráp thành chiếc Bphone hoàn chỉnh. Tất nhiên, Bkav bây giờ không thể sản xuất với quy mô của Samsung, LG, chắc chắn phải đặt gia công, chế tác những thành phần ở những nhà máy có đủ phương tiện.
Những ai từng có mặt tại hội trường hay theo dõi qua tường thuật trực tiếp trên mạng sự kiện ra mắt Bphone ắt đã nghe các diễn giả của Bkav kể lại quá trình nghiên cứu phát triển ra chiếc Bphone, từ khâu thiết kế, sản xuất tới phát triển phần mềm ứng dụng. Rõ ràng là Bkav đã làm ra Bphone. Bằng kinh nghiệm và thông tin của mình, tôi có thể khẳng định Bphone là một smartphone do người Việt Nam phát triển.
Không ít người cho rằng Bphone có vay mượn những chi tiết thiết kế từ sản phẩm của những ông lớn công nghệ nước ngoài. Chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ hết ráo. Thực tế đó là sự học hỏi, kế thừa và cải tiến mà bất cứ hãng nào khác cũng vẫn thường làm, miễn là đừng có rập khuôn, bê nguyên xi của người ta để rồi thành một sản phẩm chắp vá. Bạn ngó qua hai ông lớn nhất trên thị trường di động là Apple và Samsung coi, họ vẫn là nguyên đơn và bị đơn của một cuộc chiến pháp lý dai dẳng trên từng cây số của những vụ kiện tụng "cầm nhầm" kiểu dáng, tính năng, công nghệ… của nhau. Vấn đề vẫn là mô phỏng, noi theo ở chừng mực nào đó để không bị coi là "chôm chỉa". Hồi năm 2014, hãng Kazam đã tung ra ở Anh chiếc smartphone Tornado 348 mỏng te có kính cường lực ở cả hai mặt trước và lưng giống như Galaxy S6 cách đây không lâu và bây giờ là Bphone.
Chỉ có điều, tôi không có đủ dữ liệu để gọi Bphone là smartphone được phát triển đầu tiên của Việt Nam. Tôi chỉ gọi nó là smartphone Việt Nam có "hàm lượng Việt Nam" cao nhất từ trước tới nay.
Bphone còn có thêm phiên bản được mạ vàng nhắm vào đối tượng người dùng thời trang - Ảnh: T.Luân
Xét trên nhiều lẽ, người Việt Nam không giống như người Nhật Bản, người Hàn Quốc trong việc thể hiện tinh thần yêu nước qua việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm của nước mình. Người Nhật, người Hàn từng chấp nhận đi những chiếc xe đời đầu của nước mình kém cỏi đủ thứ để nâng đỡ các nỗ lực nội địa trước khi có thể bảnh chọe ngự trên những chiếc siêu xe mà thế giới phải ngoái nhìn. Nhà nước họ có chính sách đúng đắn. Người dân họ có nền tảng sống đúng mực. Nhà sản xuất của họ có cách làm ăn đúng điệu. Nhà sản xuất của họ có trách nhiệm, đặc biệt là không dựa thế độc quyền hay khi áo mũ xênh xang lại giở thói bội bạc, hành hạ trở lại những người ơn của mình. Có quá nhiều năm bầu bạn cùng nhau, tôi biết hãng EPSON Thái Lan khi đi lại đều ưu tiên tối đa mua vé của hãng hàng không quốc gia Thai Airways. Họ ưu ái, ưu tiên cho sản phẩm nội địa chứ không cực đoan, bài ngoại hay nhắm mắt nhắm mũi để trở thành những "chú lừa".
Tôi không thích cái vụ nhân danh sản phẩm của Việt Nam mà kêu gọi người Việt phải chấp nhận dùng vô điều kiện. Thị trường là thị trường. Việc sử dụng hàng nội địa chỉ là một trong những cách để thể hiện lòng yêu nước. Không phải những người chọn sử dụng hàng ngoại là kém yêu nước hơn những người dùng hàng nội địa đâu. Tôi có thể tự hào với sản phẩm X do người Việt Nam làm ra một cách chỉn chu, thậm chí khiến thiên hạ võ lâm phải lác mắt, nhưng để mua nó cho mình thì tôi phải xét tới coi nó có phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của tôi hay không. Nhà sản xuất có tầm ắt biết cách làm cho tôi không chỉ "tâm phục khẩu phục" mà còn "trong tầm tay". Vậy đó đi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.