Trong đó, phía BTC đề nghị trả cho tác giả một số tiền để mua vật liệu rồi vẽ lại tác phẩm đã mất nhưng chưa đưa ra con số cụ thể. Về phía mình, mức yêu cầu đền bù mà họa sĩ Hùng Anh đưa ra là 12.000 USD.
Về đề nghị đưa tiền mua vật liệu vẽ lại tranh, ông Hùng Anh cho biết: “Họ không hiểu gì về nghệ thuật cả. Tôi nói với họ rằng tác phẩm nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng chỉ có một và duy nhất, không họa sĩ nào copy lại tác phẩm của mình bao giờ”. Cũng theo ông, tác phẩm này đã được ông bán và sau đó mượn lại để mang tới triển lãm. Vì thế, nếu không tìm lại được bức tranh, ông sẽ phải hoàn lại số tiền đã nhận.
Trước đó, ngày 13.10.2020, họa sĩ Phạm Hùng Anh nhận thông báo từ BTC về việc tác phẩm Thời gian của mình được hội đồng chọn treo tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Ngày 25.10, tác phẩm đã được nộp tại địa điểm BTC yêu cầu (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Tuy nhiên, tới 1.12, khi triển lãm khai mạc, họa sĩ tới dự và không tìm thấy tác phẩm của mình. Cho tới nay, sau khi BTC tìm kiếm, công an vào cuộc, bức Thời gian vẫn bặt vô âm tín.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 ghi nhận số lượng tranh tượng bị mất và xước lớn nhất từ trước tới nay. Đã có ít nhất một bức tranh, một bức tượng bị mất. Các tác phẩm bị xước và vỡ ước tính lên đến vài chục. Bản thân việc trưng bày cũng bộc lộ sự cẩu thả. Chẳng hạn ở Hà Nội, tác phẩm cần có điện chiếu sáng từ bên trong lại không được cấp nguồn điện. Tại trưng bày ở TP.HCM, nhiều tác phẩm điêu khắc được bày trên một tấm thảm cong vênh...
Bình luận (0)