Bữa ăn cho người bận rộn: Làm sao đủ dinh dưỡng, không tăng cân, ATTP?

30/07/2022 08:00 GMT+7

Tại cuộc tọa đàm “Chọn thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho người bận rộn” do Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện, các chuyên gia quản lý Nhà nước, nhà chuyên môn chỉ ra những lỗ hổng trong bữa ăn, đưa ra các giải pháp giúp người bận rộn, nhân viên văn phòng cải thiện chế độ ăn để khỏe, đủ năng lượng, quan trọng là không tăng cân.


Ăn cho qua bữa là quan niệm hơi lệch lạc

Theo TS.Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, những người bận rộn thường sẽ chọn những bữa ăn nhanh hoặc ăn cho qua bữa. Vấn đề ở đây là nếu chúng ta có quan niệm ăn cho qua bữa và ăn như thế nào cũng được vào bữa trưa thì buổi tối phải ăn cho đầy đủ, như vậy mới bù được cho bữa trưa.

Ảnh

TS Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM: "Cái quan trọng chúng ta cần là rau củ quả".

“Quan niệm ăn cho qua bữa hơi lệch lạc nếu xét đến mục đích thật sự của bữa ăn. Thứ nhất là để nạp thêm năng lượng duy trì cuộc sống, quan trọng hơn là để có năng lượng làm việc. Do đó, nếu buổi sáng không ăn gì hết, suốt đêm cũng không ăn thì thường sẽ bị thiếu năng lượng, không làm việc được tốt.

Thứ hai là khi ăn qua bữa, đôi khi chỉ là một gói mì tôm hoặc là một cái bánh mì, chúng ta xem đó là bữa ăn nhưng thực chất nó chỉ là một phần trong bữa ăn và hầu như chỉ cung cấp đường, bột. Như vậy để có thể đạt được sức khỏe tốt về lâu dài thì trong bữa ăn đó lại thiếu chất đạm, tức là thiếu thịt, cá, trứng, sữa và cả rau, củ, quả. Đó là phần chúng ta cần lưu ý, dù ăn ở văn phòng hay ăn ở ngoài thì cũng cần quan tâm đến cái vấn đề chất đạm, bổ sung cho cân đối. Một phần khá quan trọng nữa là rau, củ, quả”, TS Đồng chia sẻ.

Cũng theo TS Đồng, hiện nay, phụ nữ và đôi khi một số nam giới rất quan tâm đến vóc dáng, do vậy nếu ăn nhanh như thế thì thực ra là chỉ ăn đường bột. Dư thừa đường bột dẫn đến thừa cân nhưng lại bị thiếu chất dinh dưỡng khác, làm suy yếu sức khỏe. “Mặt khác, phụ nữ bây giờ thường mua sắm thêm thực phẩm chức năng, nhưng thực ra thực phẩm chức năng tồn tại trong rau, củ, quả rất nhiều. Chỉ cần ăn rau, củ, quả thì các chất đã hấp thụ vào cơ thể rất tốt, tốt hơn nhiều so với ăn - uống thực phẩm chức năng. Tóm lại, nếu chúng ta ăn một bữa cho qua thì nên lưu ý phải bổ sung thêm những thực phẩm tươi sống thì sẽ rất tốt cho sức khỏe và vóc dáng của mình”, TS Đồng khuyên.

Ăn nhanh bằng mì gói thì có được?

Theo TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng VN, dinh dưỡng và thể trạng người Việt đã thay đổi sau 20 năm thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, thói quen ăn uống của người dân đã được nâng cả về chất và lượng. Nhưng với bối cảnh cuộc sống công nghiệp, bữa ăn người Việt có sự thay đổi, bữa ăn nhanh ngày càng được ưa chuộng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì, bệnh không lây nhiễm gia tăng…

Ảnh

TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: "Về cơ bản khẩu phần của người Việt Nam đã được cải thiện"

Theo ông, trước kia người dân thường ngày 3 bữa cơm ở nhà, nhưng bây giờ sáng thì không kịp ăn ở nhà, trưa thì ăn ở công sở và tối có khi bận đi tiếp khách cho nên bữa ăn ở nhà có khi chỉ tính theo tuần. Ở các nước phát triển, người ta đưa bữa ăn nhanh vào bữa sáng, người Việt cũng có bữa ăn nhanh như bún, phở, miến… Nhưng bữa ăn nhanh như thế nào là hợp lý thì đến tận bây giờ các nhà dinh dưỡng vẫn còn đang trao đổi, bởi vì bữa ăn sáng có nhu cầu khác với các bữa ăn trong ngày. Do đó, buổi sáng phải để ý đến protein, glucid, lý do là sau buổi đêm, lượng đường cơ thể thấp khiến chúng ta sẽ cảm thấy hơi đau đầu khi làm việc vào buổi sáng, nhất là những người làm việc trí óc; bên cạnh đó là phải có bột, protein nhưng lipid phải thấp. Bún, phở, miến trong món ăn người Việt đúng theo chuẩn như thế, lại còn có nước.

Trong khoảng vài chục năm gần đây, mì ăn liền đã có sự thay đổi khá tốt, ví dụ như chất béo về tiêu chuẩn của Mỹ thì con số được đánh giá là 0, tức là người ta đã hạn chế được lượng chất béo trans fat (chất béo xấu) ở ngưỡng an toàn. Thứ 2 là về protein cũng đã được đưa vào dưới dạng tinh chế protein tương đương khoảng 35 gr thịt, vitamin và chất xơ cũng đã được đưa vào. Như vậy mì ăn liền hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn, đảm bảo về cả vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lẫn dinh dưỡng. Tuy nhiên, người tiêu dùng khi ăn mì cũng có thể cho thêm rau xanh, thêm trứng hoặc ăn mì xong, dùng thêm một quả táo để có chất xơ và vitamin. Vấn đề ở đây là kiến thức dinh dưỡng của chúng ta biết kết hợp các thực phẩm để sao cho bữa ăn trở nên đầy đủ và cân đối.

Theo TS-BS Sơn, có những nghiên cứu về tần suất sử dụng mì ăn liền, người ta nghiên cứu về rất nhiều khía cạnh, ví dụ như về vệ sinh ATTP, đây là loại mà chưa bao giờ gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm. Còn về phụ gia thì các công ty lớn họ đã kiểm soát được vấn đề phụ gia theo đúng chuẩn của thế giới và VN. Ngoài ra, một số kiểm soát khác như vấn đề về muối chẳng hạn, hiện nay chúng ta ăn muối rất nhiều, nghiên cứu gần đây khoảng 9,4 gr muối trong khi khuyến nghị của tổ chức y tế thế giới là 5 gr/ngày. Ăn nhiều muối sẽ có đến nguy cơ huyết áp, dễ dẫn đến đột quỵ. Các nghiên cứu đưa ra rằng nếu đưa từ ngưỡng 9,4 gr xuống 5 gr thì sẽ giảm được 7 mmHg huyết áp, giảm được nguy cơ đột quỵ rất nhiều. Các loại mì ăn liền hiện nay cũng đang trong xu hướng giảm lượng muối, ví dụ các nghiên cứu của chúng tôi đưa ra là đã giảm được 1/3 lượng muối.

Kêu gọi ý thức và tăng cường thanh kiểm tra

Cách ăn mì ăn liền không hại sức khỏe

Tại cuộc tọa đàm, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cũng đã nêu thực trạng ATTP trên địa bàn TP. Theo PGS-TS Phong Lan, qua kiểm nghiệm thực phẩm và tỷ lệ thực phẩm sạch của TP những năm qua, bà nhận thấy tình hình về vệ sinh ATTP và tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn được cải thiện. Tuy nhiên, TP đang nằm trong mặt bằng chung với những khó khăn về kiểm soát ATTP. Nếu so với các quốc gia khác hoặc điều kiện chung thì biên độ của TP là tình trạng sản xuất, nuôi trồng, chăn nuôi, thu hái còn nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy rất khó kiểm soát ATTP.

Clip2 (1)

Ảnh

Bà Phạm Khánh Phong Lan: "Bà nội trợ sành sỏi biết mua thực phẩm ở đâu tốt mà rẻ".

Theo PGS-TS Phong Lan, nhiều nước kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề ATTP, còn ở VN, một bà nội trợ, người dân thường tạt vào vỉa hè mua thức ăn mà không biết người bán ở đâu, sản phẩm xuất xứ thế nào. Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều là nhiều người dân chọn thực phẩm theo điều kiện kinh tế. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên vẫn chọn thức ăn bán ở vỉa hè hay là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, sự phát triển của kinh tế. Do vậy, hiện nay chưa thể trông chờ ý thức mà phải tăng cường thanh, kiểm tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.