Bữa ăn tự nấu đầu tiên của tân sinh viên: cháy khét, mặn chát...

Thảo Phương
Thảo Phương
06/09/2024 14:29 GMT+7

Thời điểm này, tân sinh viên đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Ở xa nhà việc tự nấu ăn cũng là vấn đề đau đầu của không ít tân sinh viên. Vì muốn tiết kiệm và ăn uống hợp khẩu vị nên nhiều bạn trẻ tự nấu ăn tại nhà.

Rời xa vòng tay của mẹ là... bão tố

Gần đây, hình ảnh về những bữa cơm đầu tiên của tân sinh viên khi xa nhà được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Đằng sau những mâm cơm ấy là nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” của những bạn trẻ khi rời xa vòng tay ba mẹ.

Phan Thị Mỹ Hậu, tân sinh viên Trường ĐH Luật (ĐH Huế), chia sẻ rằng mới vào bếp nấu ăn được một bữa nhưng đã làm cháy nồi. “Lúc ở nhà có mẹ nên khi lên đại học mình mới phải vào bếp. Từ lúc bắt đầu cuộc sống sinh viên đến giờ mình mới nấu ăn được một lần, rim cá khô nhưng cháy luôn đít nồi”, Hậu kể.

Hậu cho biết cá và gạo được mẹ gửi từ quê nên bữa ăn hôm đó không tốn tiền đi chợ. “Hôm ấy trời mưa nên có gì nấu đó, tưởng bữa cơm sinh viên 0 đồng, nhưng cuối cùng phải tốn tiền mua nồi mới. Đúng là rời xa vòng tay của mẹ là... bão tố”, Hậu cười nói.

Bữa ăn tự nấu đầu tiên của tân sinh viên: cháy khét, mặn chát... - Ảnh 1.

Tự nấu ăn là một trong những cách giúp người trẻ có thể tiết kiệm chi tiêu

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Tương tự, chỉ nấu một món ăn, nhưng Phan Nguyễn Bảo Ngọc, tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM loay hoay trong bếp hơn một tiếng đồng hồ vì phải gọi điện về cho mẹ để được hướng dẫn từng bước một. Cô nàng chia sẻ: “Mình cứ tưởng nấu ăn cho cả dãy trọ vì có một món mà nấu lâu muốn xỉu. Tuy nhiên, nấu ăn ở nhà sẽ tiết kiệm hơn ăn bên ngoài. Cho nên sáng và trưa mình sẽ ăn ngoài còn bữa tối thì đi chợ mua đồ về tự nấu”.

Ngọc dí dỏm chia sẻ thêm: “May là bây giờ mình còn rảnh vì chưa đi học nhưng sợ vô học mà nấu lâu như vậy chắc ăn tối thành ăn khuya luôn”.

Bữa ăn tự nấu đầu tiên của tân sinh viên: cháy khét, mặn chát... - Ảnh 2.

Bữa cơm thứ hai của tân sinh viên Tấn Huy

ẢNH: NVCC

May mắn hơn Hậu và Ngọc, Phan Tấn Huy, tân sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng biết nấu ăn nên dù rời xa vòng tay ba mẹ nhưng vẫn có những bữa “cơm lành canh ngọt”. Huy chia sẻ: “Bữa ăn thứ hai kể từ lúc bắt đầu cuộc sống tân sinh viên của mình có sườn ram, canh và rau luộc. Mình nấu hết mâm cơm chỉ khoảng 30 phút. Mâm cơm ba món thì chia ra một người khoảng 20.000 - 25.000 đồng. Từ nhỏ mình đã mê nấu ăn nên cũng có kinh nghiệm. Tự nấu tuy tốn công nhưng bù lại được no, ngon với cả đảm bảo hơn ăn ở ngoài”.

Những "tuyệt chiêu" để nấu ăn vừa tiết kiệm và đủ chất

Đã tự nấu ăn được hai tuần nay, Phạm Diễm Quỳnh, tân sinh viên Trường CĐ Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, chia sẻ rằng một ngày nấu 2 bữa cho 3 người nhưng chỉ tốn khoảng 50.000 đồng.

Quỳnh chia sẻ: “Bình thường tụi mình sẽ lên thực đơn nấu ăn trước, sau đó vào trang web của cửa hàng Bách hóa xanh để xem giá thực phẩm cần mua. Nếu chia ra cho ba người mà rẻ thì tụi mình mới mua, còn vượt quá ngân sách thì sẽ phải tính lại. Hoặc tụi mình sẽ đi mua đồ vào buổi tối để “săn” hàng giảm giá. Trong bữa ăn của tụi mình sẽ có một món mặn, rau luộc và lấy nước luộc rau làm canh. Nếu đồ ăn buổi tối còn dư thì sáng hôm sau hâm lại ăn”.

Khi được hỏi chỉ với 50.000 đồng nhưng sao mua thức ăn cho ba người trong một ngày thì liệu có đủ? Quỳnh cho hay: “Vì mới nhập học, có nhiều khoản cần chi tiêu, sắm sửa cũng tốn kha khá. Cho nên thời gian đầu sẽ ăn uống tiết kiệm một chút. Khi ổn định hơn thì sẽ nâng chất lượng bữa ăn lên ngon hơn. Tuy nhiên, hiện tại ăn như vậy tụi mình vẫn thấy không có vấn đề gì. Dù tiết kiệm nhưng vẫn cố gắng ăn đủ để có sức học”.

Từng "gây sốt" với bài viết chia sẻ về những bữa cơm sinh viên tự nấu trong hội nhóm Yêu Bếp vào năm ngoái, Lưu Vân Anh (23 tuổi), cựu sinh viên Học viện Ngân hàng (Hà Nội), chia sẻ về những kinh nghiệm khi đi chợ.

“Thời sinh viên ngoài những lúc có đồ ăn của ba mẹ gửi cho thì thường mình sẽ đi chợ hoặc siêu thị. Nếu là thịt, mình sẽ mua đủ ăn trong một tuần để tiết kiệm thời gian, còn rau, củ, quả thì khoảng hai ngày mua một lần để giữ độ tươi. Mình mua rau ở siêu thị vì an toàn, giá không chênh ngoài chợ nhiều, còn thịt với hoa quả thì sẽ mua ngoài chợ vì sẽ tươi và giá rẻ hơn”, Vân Anh cho biết.

Thời sinh viên, Vân Anh nấu ăn một ngày hai bữa cho bốn người, chi phí khoảng 40.000 đồng/người/ngày. “Nếu có thịt ba mẹ gửi từ quê thì đôi khi mỗi bữa chỉ tốn 15.000 - 20.000 đồng. Trong khi đó nếu ăn bên ngoài thì khoảng 35.000 - 60.000 đồng/phần”, Vân Anh nói.

Cô nàng chia sẻ trước mỗi lần vào bếp sẽ xác định hôm nay ăn thịt gì để rã đông trước và rau gì, rồi tùy vào các nguyên liệu đang có để nấu. Vân Anh chia sẻ: “Các bữa cơm của mình thường có ba món chính: thịt, rau và hoa quả. Việc tự nấu ăn giúp mình tiết kiệm chi phí, hợp khẩu vị và sẽ an toàn hơn ăn ngoài tiệm. Các món ăn mình hạn chế dầu mỡ và mỗi bữa đều đảm bảo có thịt, rau, củ, quả nên cũng sẽ đầy đủ hơn so với đồ ăn ngoài. Để tiết kiệm thời gian nấu ăn, mình thường chia thực phẩm thành các phần nhỏ, ước lượng theo từng bữa. Nếu là thịt thì trước lúc đi học,mình sẽ cho xuống ngăn mát để rã đông, khi về là nấu luôn. Thông thường các món mặn, mình sẽ nấu một lần nhưng có thể ăn được cả ngày. Như thế đến bữa chỉ cần làm thêm một món rau là xong”.

Vân Anh cũng cho biết với mặt bằng hàng quán như hiện tại, để có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, thì chi phí không rẻ. Trong khi đó, bản thân hoàn toàn có thể đảm bảo những yếu tố này khi nấu ăn ở nhà với mức chi phí thấp hơn. “Một số thực đơn dễ nấu nhưng vẫn đủ dưỡng chất và phù hợp với túi tiền của các bạn sinh viên có thể tham khảo như: “Thịt kho, rau luộc, hoa quả. Canh rau củ nấu mọc, trứng rán, hoa quả. Canh bí xanh thịt bằm, thịt băm xào rau củ, hoa quả. Salad ức gà xé, canh sườn hầm rau củ, hoa quả. Bún mọc, sườn nấu cà chua, hoa quả”, Vân Anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.