Tân sinh viên cần biết: Bí quyết vượt qua 'nỗi sợ' khi học các môn đại cương

Phúc Kha
Phúc Kha
25/08/2024 07:15 GMT+7

Nhiều sinh viên cho rằng các môn học đại cương thường khô khan, không tạo được sự thích thú. Thậm chí các bạn cho biết những môn này là "ác mộng" của không ít sinh viên khi học đi, học lại nhiều lần mới qua được, có bạn ra trường trễ chỉ vì nợ... môn học đại cương.

Nguyên nhân sinh viên sợ học môn đại cương

Đã là lần thứ 2 học lại môn pháp luật đại cương nhưng L.V.A, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), vẫn đang loay hoay tìm cách học và ôn thi sao cho hiệu quả để trả nợ môn.

Tân sinh viên cần biết: Bí quyết vượt qua 'nỗi sợ' khi học các môn đại cương- Ảnh 1.

Sinh viên thường cảm thấy “ngán” khi học các môn đại cương

ẢNH: PHÚC KHA

"Hồi học THPT, mình đã quen với việc giáo viên đọc, chép; lên bậc đại học, mình bị hoang mang với cách giảng dạy của thầy cô. Mình không bắt kịp kiến thức giảng viên truyền đạt. Ngoài ra, môn này khó tiếp thu, quá dài và khó hiểu về kiến thức. Sắp tới trường tổ chức học lại, lần này mình phải cố gắng lấy điểm tốt để qua môn nếu không thì năm nay sẽ không ra trường được", V.A nói.

Từng bị "trượt" và phải đóng tiền học lại môn Triết học Mác - Lênin, Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: "Môn này với mình rất khó học vì mang tính hàn lâm, trừu tượng. Cuốn giáo trình dày cộm; khi học, mình phải tìm hiểu lượng kiến thức khổng lồ. Thi đề đóng nên sinh viên phải làm sao học thuộc lòng 10 câu đề cương ôn tập, mỗi câu dài khoảng 2 trang giấy A4. Mình thấy ngán ngẩm nên đã lựa chọn "học tủ". Kết quả là thi "trật tủ", rớt môn".

Tiến sĩ Hồ Ngọc Anh, Trưởng bộ môn Lý luận chính trị, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết qua những nghiên cứu của giảng viên, tình trạng sinh viên cảm thấy nhàm chán và e ngại tiếp xúc với các môn đại cương xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến như phương pháp giảng dạy chưa thực sự phù hợp; nội dung giảng dạy trong một số trường hợp chưa được cập nhật kịp thời; kỹ năng học tập của sinh viên chưa thích ứng với môi trường đại học; sinh viên còn thiếu định hướng và nhận thức về tầm quan trọng của các môn đại cương... Ngoài ra, môi trường học tập chưa đủ thúc đẩy, khoảng cách giữa giáo dục phổ thông và đại học cũng là những yếu tố góp phần vào tình trạng này.

Tân sinh viên cần biết: Bí quyết vượt qua 'nỗi sợ' khi học các môn đại cương- Ảnh 2.

Sinh viên có thể học nhóm cùng bạn bè để ôn luyện kiến thức

ẢNH: PHÚC KHA

Đã giúp nhiều sinh viên ôn luyện, vượt qua các môn đại cương khi thi học kỳ, thạc sĩ Đinh Lương Chính Thiện, đang làm nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết có nhiều bạn đi học đầy đủ, hiểu bài nhưng đến khi thi thì kết quả không tốt dẫn đến rớt môn. Nguyên nhân là do không dành thời gian hệ thống lại kiến thức, không biết môn học này đang nói về vấn đề gì và chưa biết cách trình bày bài thi có bố cục hợp lý.

"Cách hệ thống lại kiến thức là đọc mục lục của giáo trình để biết môn học này đi theo mạch trình bày như thế nào, hình dung được những gì cần ôn tập, từ đó có kế hoạch ôn luyện phù hợp. Sinh viên nên dành thời gian đọc giáo trình có liên quan đến môn học, có thể trao đổi với thầy cô, tìm hiểu kiến thức trên internet, mỗi môn học các bạn nên có nhóm học tập để giúp đỡ, chia sẻ, ôn tập kiến thức, soạn đề cương", thạc sĩ Đinh Lương Chính Thiện nói.

Bí quyết đạt điểm cao các môn đại cương

Chia sẻ về phương pháp học các môn đại cương đạt điểm cao, Lê Thanh Hải, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM năm 2023, nói: "Mình chú trọng vào việc đọc sách, giáo trình. Các bạn nên chia ra từng giai đoạn, mỗi giai đoạn cố gắng đọc, hiểu và nhớ kiến thức. Khi đọc rất nhiều nhưng ghi chú những điểm quan trọng 1 - 2 câu, các bạn gói gọn tất cả kiến thức trình bày trong cuốn sách sao cho cô đọng, không bị quên nên khi đến kỳ thi các bạn ôn tập rất nhanh".

Theo Hải, tân sinh viên nên có tinh thần tự học nhiều hơn vì trên lớp thầy cô nói rất nhiều, rất nhanh, nếu bạn không có sự chắt lọc, tìm hiểu, ghi chú những nội dung quan trọng thì dễ rơi vào trạng thái hoang mang; khi đến kỳ thi rơi vào tâm lý lo sợ vì không tự tin kiến thức của bản thân.

"Ở năm nhất, tân sinh viên cố gắng đạt điểm cao ở những môn đại cương dù biết những môn học này rất khó nhằn. Các bạn lưu ý rằng điểm số xếp loại tốt nghiệp ở đại học là điểm trung bình tất cả các môn học trong 4 năm", Thanh Hải lưu ý.

Tiến sĩ Hồ Ngọc Anh khuyên tân sinh viên phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của các môn học đại cương trong việc xây dựng nền tảng tri thức và tư duy. Các bạn cần hiểu một cách đúng đắn rằng những kiến thức đại cương không chỉ hỗ trợ cho chuyên ngành mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện, nghiên cứu cần thiết cho sự nghiệp tương lai.

"Chìa khóa học tập tốt đại cương nằm ở việc tham gia lớp học với một tâm thế tích cực, ghi chép cẩn thận và tương tác với giảng viên. Để thi đạt điểm cao, sinh viên cần nắm vững kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng trình bày ý tưởng logic và súc tích. Việc đọc kỹ đề bài, quản lý thời gian thi hiệu quả, ôn tập có hệ thống đóng vai trò quyết định. Lập kế hoạch ôn tập chi tiết, tập trung vào các điểm trọng yếu và làm bài tập mẫu sẽ giúp sinh viên tự tin hơn trong kỳ thi", tiến sĩ Hồ Ngọc Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.