Khi mùa hè để học và… trả nợ môn

03/06/2023 08:00 GMT+7

Dưới tình trạng nợ môn với số lượng lớn, nhiều sinh viên tận dụng mùa hè để học và… trả nợ. Vậy hiện tượng này có mang lại những tác động tiêu cực đến tiến độ tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm của người trẻ?

Học đến năm 4 nhưng vẫn còn nợ... 7 môn 

Hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Nguyễn Thái Nguyên Khang cho biết dự tính vào hè này sẽ đi học để trả nợ môn nhưng lại gặp nhiều bất cập trong việc quản lý thời gian.

Khi mùa hè dùng để… trả nợ môn - Ảnh 1.

Việc nợ môn luôn là ám ảnh với người học

CHỤP MÀN HÌNH

"Mình đã học đến năm 4 nhưng vẫn còn nợ tận… 7 môn, trong đó đã có hết 5 môn đại cương nên phải tranh thủ trả nợ trong học kỳ hè vì nếu để quá hạn có thể chuyển qua văn bằng hai. Đó là hậu quả của việc mình chủ quan khi những năm đầu đại học không chăm chỉ và nghĩ mình còn nhiều thời gian", Nguyên Khang bày tỏ.

Nam sinh này cho biết bản thân thấy khá áp lực khi nhiều bạn bè sắp ra trường mà mình vẫn còn dang dở nên hiện đang phải chạy đua với thời gian. Khang dự định hè này sẽ cố gắng trả nợ khoảng 4 môn và hè năm sau lại tiếp tục để hoàn thiện chương trình đại học.

Khi mùa hè dùng để… trả nợ môn - Ảnh 2.

Việc chọn trả nợ môn vào hè là lựa chọn của rất nhiều sinh viên

VĂN ĐÁNG

"Do các đợt hè trước vướng đợt dịch và thực tập nên đây là mùa hè trả nợ đầu tiên của mình. Dù mỗi môn mình đóng học phí lại dao động từ 400.000 - 500.000 đồng, đợt này mình đăng ký 3 môn đại cương và 1 chuyên ngành hết 2 triệu đồng, nhưng mình cảm thấy rất uổng công sức đi học và thanh xuân của bản thân".

Cũng trả nợ môn trong dịp hè này, B.N.B.C (22 tuổi), ngụ tại P.14, Q.6 (TP.HCM) bày tỏ việc nợ môn của mình là do không cân bằng được thời gian học tập từ năm nhất đại học.

"Học kỳ hè này, mình dự định sẽ học lại khoảng 5 môn do nợ từ nhiều học kỳ gom lại, đa phần là đại cương. Năm đầu đại học, do mình học chương trình đại trà nên lớp rất đông khoảng hơn 100 sinh viên mà nhà mình lại xa nên việc đảm bảo tiến độ và tâm lý dành cho học tập chưa được để tâm nên kiến thức dần không nắm rõ rồi dẫn đến bị rớt môn", B.C. bày tỏ.

B.C. cũng cho biết thời điểm ấy cũng do đi làm thêm nên dần bị cuốn vào việc kiếm tiền nên cũng không cân bằng được hết. "Việc lựa chọn học lại mùa hè dựa vào lựa chọn của mỗi người, vì mình thấy nhiều bạn vẫn đi làm mà vẫn chưa tốt nghiệp. Nhưng nếu muốn có một vị trí cao hoặc tìm kiếm một công việc tốt thì chắc chắn nhiều nơi sẽ yêu cầu bằng cấp, mình không ngại việc học lại vì nếu học mà mình biết mình còn thiếu gì và có cơ hội hiểu rõ hơn về môn học đó", B.C. nói.

Không để cả mùa hè "mài quần" trong các giảng đường

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam, nếu một sinh viên nào đó dành cả mùa hè để học tích lũy thêm tín chỉ, rút ngắn thời gian tốt nghiệp ra trường là điều tốt. Các bạn cũng có thể quyết định dành những thời gian trong kỳ học cho những cơ hội trải nghiệm không thể bỏ lỡ, vì thế tận dụng thời gian hè để trả nợ cũng không sao.

Khi mùa hè dùng để… trả nợ môn - Ảnh 3.

Cần có phương pháp học tập đúng để tránh bị nợ môn

THƯỢNG HẢI

"Nhưng vấn đề sẽ trở nên đáng lo ngại hơn nếu các sinh viên liên tục bị thi rớt, bị nợ môn hoặc đạt kết quả không tốt, do thiếu tập trung và kỹ năng quản lý thời gian nên nhiều bạn đã sử dụng chiến lược và phương pháp học tập không hiệu quả. Có nhiều bạn mất động lực và định hướng học tập đại học, vì trước đây các bạn chỉ đặt mục tiêu cho bản thân là vào được đại học. Nên khi vào được rồi thì mất đi kim chỉ nam, học kiểu "học đại" mà thôi", chuyên gia này cho hay.

Còn theo tiến sĩ Bùi Phương Việt Anh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ việc nhiều sinh viên nợ môn ngoài do lỗi không chú ý việc học, ham đi làm thêm thì còn đến từ việc đánh giá, kiểm tra chưa tốt của nhiều trường.

"Nếu người học không may nợ môn và quy chế đào tạo của trường linh hoạt thì cách thức trả nợ môn sẽ rất dễ xử lý, còn nếu quá máy móc thì chỉ còn thời gian hè là duy nhất. Nếu phát hiện sinh viên nợ từ 2 môn trở lên, nên có quy định phải trả trong học kỳ tiếp theo mới được học tiếp chứ không phải để nợ dồn 5-7 môn rồi trả nợ trong một kỳ hè", tiến sĩ Việt Anh bày tỏ.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ vì nhiều môn học có tính chất "cuốn chiếu", phải qua môn học ấy mới có thể học tiếp môn thứ hai. Cho nên, việc sinh viên bị rớt môn mà không có phương pháp để họ trả ngay, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tiến trình ra trường của sinh viên.

Khi mùa hè dùng để… trả nợ môn - Ảnh 4.

Sinh viên cần tích cực tham gia vào các hoạt động của cuộc sống, không để cả mùa hè "mài quần" trong các giảng đường

THƯỢNG HẢI

Khi được hỏi về những phương pháp giúp sinh viên tránh chuyện trả nợ môn vào hè, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết khi còn là sinh viên năm thứ nhất, cần xác định mục tiêu trong 4 năm học tập bản thân cần rèn luyện những kỹ năng phẩm chất chuyên môn nào và tự xây dựng kế hoạch có lộ trình để đạt được trong 4-5 năm nữa.

"Khi thi lại hoặc nợ môn, sinh viên cần đánh giá phương pháp học tập có phù hợp, cân nhắc việc sử dụng công nghệ, tài nguyên hoặc học nhóm để tăng hiệu quả học tập. Lên kế hoạch quản lý thời gian khoa học như chọn thời gian đầu óc thoải mái và làm việc hiệu quả nhất, sắp xếp hợp lý thời gian biểu để hoàn thành các nhiệm vụ trả nợ và không để rơi vào tình huống tương tự. Và cần phải tích cực tham gia vào các hoạt động của cuộc sống chứ không để cả mùa hè "mài quần" trong các giảng đường", ông Thành Nam bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.