Vụ 'danh sách những bằng đại học vô dụng nhất': ‘Không có lửa, làm sao có khói’?

15/03/2023 06:00 GMT+7

Có nhiều luồng ý kiến về "Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất?"của TikToker mà Thanh Niên đăng tải...

Nội dung mà TikToker "chê" một số bằng đại học của các ngành: quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing và quản lý nhân sự; đồng thời khuyên bạn trẻ không nên đăng ký học. Cụ thể: "Đầu tiên là ngành quản trị kinh doanh, ngành học này rất chung chung, mà ra trường thì chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp đó là sales và marketing, nhưng mà thực chất hiện giờ bạn muốn làm sale hay học marketing thì học bất cứ ngành nào ra làm cũng được. Thứ hai là ngành ngôn ngữ Anh, thời đại này không ai không biết tiếng Anh, cho nên các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS. Thứ ba là ngành marketing, thời buổi này thì không cần có bằng marketing các bạn cũng có thể ra làm marketing được, chủ yếu là các bạn có kinh nghiệm, thì sẽ có lương trong ngành thôi. Và cuối cùng là ngành quản lý nhân sự, cái ngành này thì nó thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm là nhiều, cho nên các bạn không cần có bằng đại học thì vẫn có thể làm được".

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau sau khi Thanh Niên đăng tải những nội dung mà Tiktoker đưa ra "Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất?" 

Phía trường đại học đưa ra ý kiến phản biện Tiktoker cho là có cái nhìn thiếu thực tế, phiến diện, không có minh chứng để nói rằng "bằng đại học vô dụng". 

Tuy nhiên, có ý kiến mặc dù không đồng tình với nhận định của Tiktoker, nhưng cũng cho rằng liệu những ngành học này có đang được đào tạo bài bản tại các trường đại học, bởi "không có lửa, làm sao có khói"?.

"Học giáo điều, thi trí nhớ"

Chia sẻ về vấn đề "những bằng đại học vô dụng", ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành của Đông A Solutions cho hay các kiến thức về các ngành học trên không sai và rất hữu ích cho sự thành công ở Việt Nam nên việc các TikToker "chê" là không đủ hiểu. 

Tuy nhiên, ông Việt cũng bày tỏ một số điểm hạn chế về đào tạo các ngành học này ở một số trường đại học.

Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất: ‘Không có lửa, làm sao có khói’ - Ảnh 1.

Nhiều ngành học hiện tại vẫn còn hạn chế về chất lượng đào tạo như giáo trình, đội ngũ giảng viên, cách thức tiếp cận...

PHÚC KHA

"Mức độ cập nhật các kiến thức tuy có nhưng vẫn chưa cao, nhiều nơi và nhiều môn học vẫn còn dạy những kiến thức đã lạc hậu khoảng 20 - 25 năm. Nhiều chương trình lại không đủ tính thực hành, với cách học đa phần theo kiểu "học giáo điều, thi trí nhớ", "tầm chương trích cú" chứ chưa vận dụng vào các dự án và tình huống thực tế", ông Việt bày tỏ.

Ông Việt chỉ ra rằng trong lĩnh vực nhân sự, hệ thống lương thưởng đang được dạy theo những nguyên tắc lý thuyết từ năm 1939 thì dù đúng về nguyên tắc, nhưng chưa tính toán được một số đặc thù như: sự méo mó cung cầu trầm trọng giữa các nhóm lao động tại các thị trường mới nổi sau năm 1985, tại các doanh nghiệp khởi nghiệp, các ngành nghề có tính độc lập cao (kinh doanh trực tuyến, bán hàng đa cấp, lái xe công nghệ…). Hay trong ngành marketing, các giáo trình vẫn xoay xung quanh những khái niệm cơ bản kiểu 4P, dù đúng nhưng sẽ nặng nề, gượng ép và thiếu hiệu quả khi dùng để thiết kế chương trình phát triển sản phẩm, thị trường hay phân phối cho một số sản phẩm, dịch vụ, đối tượng khách hàng hay kênh phân phối nào đó.

Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất: ‘Không có lửa, làm sao có khói’ - Ảnh 2.

Các trường đại học nên phối hợp cùng các doanh nghiệp để tạo điều kiện giúp đỡ người học được trải nghiệm ngành học thực tế hơn

ĐÌNH ĐỨC

"Cách học cũng theo kiểu "trả bài" nên phần đông người học xong không thể giải quyết được bài toán thực tế tại một doanh nghiệp và nhiều người dạy cũng không thể giải được bài toán cụ thể tại các doanh nghiệp tầm trung", ông Việt cho hay.

Còn đối với ông Hồ Minh Chính, chuyên gia đào tạo kỹ năng sống và quản lý tại Tổ chức giáo dục đào tạo PTI, cho biết nhiều chương trình đào tạo vẫn còn các hạn chế khác về giảng viên bám theo sách lý thuyết dạy mà không có nhiều trải nghiệm thực chiến, giáo trình lý thuyết dài dòng và nặng nề nên người học đối phó để đủ điểm qua môn. Và thời lượng học trên giảng đường quá nhiều nên sinh viên thiếu thời gian thực tập tại doanh nghiệp từ năm 3 trở đi, nhiều trường và doanh nghiệp không có sự kết nối liên kết để hỗ trợ cho sinh viên thực tập…

Theo ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM cho hay: "Nhiều trường đôi khi có áp lực tuyển sinh nên chưa chú trọng đến chất lượng đầu vào - đầu ra hoặc trong quá trình chấm điểm, sát hạch có sự du di nhất định làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Điều này dẫn đến chất lượng đầu ra không đồng đều. Các trường muốn xây dựng thương hiệu trong lâu dài thì nên chấp nhận giảm lợi ích trước mắt hay áp lực tuyển sinh theo số lượng để tập trung nhiều hơn cho chất lượng đào tạo".

Ngoài ra, ông Đảo còn cho biết thêm vẫn còn lại một số trường rất chậm trong việc cập nhật các giáo trình nước ngoài, xu hướng đào tạo và cũng như việc thu hút các giáo sư, lực lượng giảng viên chất lượng.

Các trường nên có sự thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển

Theo ông Hồ Minh Chính, để tránh việc biến những ngành học trở nên vô dụng thì các trường nên có các chính sách và sự thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

"Các trường nên cập nhật hoặc mua bản quyền tài liệu từ nước ngoài mới nhất, giảng viên dạy 2 năm đầu là giảng viên của trường dạy nền tảng và từ năm thứ 3 trở đi nên kết hợp với doanh nghiệp, các nhà quản trị chuyên môn vào thỉnh giảng các môn liên quan đến chuyên ngành và ứng dụng thực chiến", ông Chính cho hay.

Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất: ‘Không có lửa, làm sao có khói’ - Ảnh 3.

Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất: ‘Không có lửa, làm sao có khói’ - Ảnh 4.

Việc đào tạo thêm cho người học các kỹ năng bên cạnh chất lượng đào tạo cũng là vấn đề cần chú trọng

NHƯ LINH

Ngoài ra, theo chuyên gia này thì để nâng cao chất lượng về học tập, năng lực của sinh viên thì nên được đánh giá dựa trên thời lượng thực tập được xác nhận bởi doanh nghiệp và đánh giá xếp loại bởi người hướng dẫn ở doanh nghiệp. "Việc người học được đào tạo chất lượng cao thì khi ra trường sẽ có doanh nghiệp tuyển dụng và có mức lương cao, giúp tăng năng suất lao động, không mất thời gian tái đào tạo, tốn chi phí và tránh tình trạng "nhảy việc" liên tục khi không đạt hiệu quả", ông Chính nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề "các bằng đại học vô dụng", ông Nguyễn Duy Thông, Đồng sáng lập và Giám đốc Dentsu Redder, bày tỏ rằng nhiệm vụ của giáo dục chính là cung cấp một kiến thức nền tảng, định hình lối tư duy và hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu cho người học.

Ông Thông cũng cho biết bên cạnh vấn đề các bằng đại học thì một số kỹ năng cần thiết ở thời điểm hiện tại mà rất hiếm ở các trường đại học tại Việt Nam chú trọng trang bị cho sinh viên, đó là bồi dưỡng sự sáng tạo, cách giải quyết những khó khăn và tư duy linh hoạt.

"Không bàn về tất cả, tuy nhiên vẫn có một số các vấn đề ở các trường đại học ở Việt Nam và nổi bật nhất là cách tư duy giáo dục chưa kịp cập nhật với nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn mà kiến thức có thể dễ dàng tìm thấy và cũng rất nhanh chóng lạc hậu bởi sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ thì sinh viên cần được trang bị những kỹ năng rất khác để tồn tại", chuyên gia này cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.