Có nhiều clip và mỗi người trình bày khác nhau, nhưng chung quy lại tất cả nội dung đều hướng về việc chê một số bằng đại học của các ngành: quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing và quản lý nhân sự; đồng thời khuyên bạn trẻ không nên đăng ký học.
Cụ thể: "Đầu tiên là ngành quản trị kinh doanh, ngành học này rất chung chung, mà ra trường thì chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp đó là sales và marketing, nhưng mà thực chất hiện giờ bạn muốn làm sale hay học marketing thì học bất cứ ngành nào ra làm cũng được. Thứ hai là ngành ngôn ngữ Anh, thời đại này không ai không biết tiếng Anh, cho nên các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS. Thứ ba là ngành marketing, thời buổi này thì không cần có bằng marketing các bạn cũng có thể ra làm marketing được, chủ yếu là các bạn có kinh nghiệm, thì sẽ có lương trong ngành thôi. Và cuối cùng là ngành quản lý nhân sự, cái ngành này thì nó thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm là nhiều, cho nên các bạn không cần có bằng đại học thì vẫn có thể làm được".
Theo một số chuyên gia, việc giáo dục trên thế giới hiện nay cũng thay đổi rất nhanh về phương pháp giảng dạy cũng như các ngành học bị thay đổi bởi công nghệ, dẫn đến tác động đến nhiều ngành nghề trong tương lai. Thế nên, khiến cho một số ngành học mất đi sự thu hút và trở thành lý do để các TikToker đưa ra những nội dung bất lợi.
Nhìn nhận về ngành quản trị kinh doanh, ông Ngô Đình Đức, sáng lập Công ty cổ phần tư vấn POCD, cho biết: "Trên thế giới, khi hoàn thành chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) mới bắt đầu học ngành quản trị kinh doanh. Nhưng ở Việt Nam thì đây là một ngành rất "thập cẩm", bản chất việc dạy tại các trường ít đi vào đặc thù nên sinh viên ít nhìn thấy tính ứng dụng và ra trường làm việc không đúng với quản trị thì đi bán hàng".
Cũng đồng tình với ông Đức, bà Vũ Thùy Như Linh, Phó Tổng giám Đốc HR1Tech bày tỏ: "Trên thực tế, khi phỏng vấn tuyển dụng các sinh viên học ngành quản trị kinh doanh, nhiều bạn cảm nhận ở chuyên ngành này học rất nhiều nhưng không sâu nên dù tốt nghiệp vẫn rất khó khăn khi tìm việc".
Tuy nhiên, ông Đức và bà Linh đều cho rằng cần phải nhìn vấn đề của ngành học lớn hơn, không thể chỉ vì trường hợp của một nhóm nhỏ, của một cá nhân mà quy chụp rồi đưa ra suy luận chắc nịch là bằng đại học đó vô dụng được.
Bà Như Linh tỏ ra ý không đồng tình khi quan điểm các TikToker đưa ra lại không có số liệu minh chứng. "Có thể hiện nay công nghệ thông tin đang đi trước thời đại, trước cả giáo trình đại học nhưng dựa vào đó cho rằng làm marketing chỉ cần kinh nghiệm là chưa đủ. Đi làm dựa vào kinh nghiệm chỉ có thể một số công việc trong phạm vi nhỏ, chứ một người làm marketing chuyên nghiệp cần phải có kiến thức tổng quan hiểu được nhiều khía cạnh, ngóc ngách trong lĩnh vực này", bà Linh nói.
Ông Đình Đức cũng bày tỏ học ngôn ngữ Anh không phải là chỉ học tiếng Anh để lấy bằng như chứng chỉ IELTS, nền tảng việc học bao gồm ngữ pháp, ngữ âm, cách viết và cả văn hóa. "Học học tiếng Anh và học ngôn ngữ Anh là hai chuyện khác nhau, học để nói và học để ứng dụng cho nghề nghiệp, giao tiếp chuyên sâu thì hoàn toàn không thể đánh đồng. Bản thân ngành ngôn ngữ Anh dù có sự thay đổi rất nhanh của tiến bộ khoa học nhưng các trường đại học quốc tế vẫn đào tạo thì sao lại nói nó vô dụng", chuyên gia này chia sẻ.
Nhận xét về ngành quản lý nhân sự, ông Đức cho biết: "Quản lý nhân sự không phải chỉ cần kỹ năng mềm vì con người có những nền tảng, công cụ về mặt quản trị riêng nên không thể áp dụng kiểu biết cái này, cái kia rồi áp dụng vô tội vạ vào doanh nghiệp. Mà phải có kiến thức, phương pháp tiếp cận và chiến lược về con người với công ty nhưng ngoài đời không có dạy đâu, chỉ đi học mới biết những kiến thức nền tảng, cách thức áp dụng".
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Chúng ta không thể phủ định sạch trơn một cách chung chung rằng các chương trình đại học vô dụng hoặc không giúp người tốt nghiệp tìm kiếm việc làm. Người có trách nhiệm khi phát ngôn thì cần có dữ kiện để chứng minh", ông Trần Nam bày tỏ.
Đối với ông Ngô Đình Đức, người trẻ phải sáng suốt chọn ngành nghề phù hợp với tích cách và có cái nhìn rộng hơn về thế giới bên ngoài. "Mỗi ngành học đều có giá trị, dù thời đại có thay đổi ít nhiều nhưng quan trọng là cách người học biết ứng dụng và đáp ứng sao cho tốt", ông Đức cho hay.
Bình luận (0)