Vì sao gen Z chưa ra trường vẫn kiếm được nhiều tiền?

10/02/2023 06:00 GMT+7

Nhiều bạn trẻ gen Z dù chưa ra trường nhưng đã có việc làm ổn định và thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Điều gì khiến các bạn làm được điều đó?

THU NHẬP ĐÁNG NGẠC NHIÊN CỦA SINH VIÊN

Hiện là sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng Nguyễn Thượng Hoàng Minh đang là trợ lý cho một công ty điện ảnh và giải trí. Ngoài ra, từ cuối năm nhất, Minh còn làm công việc hỗ trợ vận hành tại một sàn thương mại điện tử hơn nửa năm.

"Mình bắt đầu đi làm thêm tại một nhà hàng từ năm lớp 11, nhưng khi lên đại học, mình quyết định tìm các công việc phù hợp hơn với chuyên môn. Vì mình nhận ra dù đi làm kiếm được thu nhập, kinh nghiệm nhưng công việc nếu trái với định hướng đã chọn sẽ không học hỏi được nhiều", Hoàng Minh chia sẻ.

Vì sao gen Z chưa ra trường vẫn kiếm được nhiều tiền? - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ gen Z đã có công việc và thu nhập ổn định dù chưa ra trường

Như Linh

Bắt đầu công việc được nửa năm, Hoàng Minh đã cùng công ty thực hiện các dự án giải trí và phim điện ảnh, được thử sức ở hai vai trò là hỗ trợ quản lý các nền tảng mạng xã hội và hỗ trợ quản lý sản xuất các dự án.

Vì sao gen Z chưa ra trường vẫn kiếm được nhiều tiền? - Ảnh 2.

Nguyễn Thượng Hoàng Minh đang là trợ lý cho một công ty điện ảnh và giải trí

NVCC

"Mặc dù mình có thể đạt được mức thu nhập cao hơn nhưng mình vẫn chuyên tâm cho việc học và số tiền được trả chỉ dựa trên các dự án, lương thưởng. Ngoài ra, mình còn nhận làm thêm các sự kiện nên tổng thu nhập một tháng nằm trong khoảng từ 4 - 7 triệu đồng", chàng trai này cho hay.

Cũng bắt đầu đi làm sớm từ năm lớp 8, Hà Tuấn Tài, sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã từng lên chức quản lý của một nhà hàng với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Nhưng khi lên đại học, Tài học thêm các kiến thức liên quan về thiết kế đồ họa và bắt đầu công việc của một designer (người làm mảng thiết kế).

Vì sao gen Z chưa ra trường vẫn kiếm được nhiều tiền? - Ảnh 3.

Hà Tuấn Tài

NVCC

"Đến khoảng đầu năm 2, mình bắt đầu làm thêm công việc chụp ảnh, quay phim và tổ chức sự kiện ở các studio và trường đại học. Mình cũng đã từng có vị trí công việc tại một chỗ làm ổn định, nhưng vì không thích môi trường cố định và chịu sự quản lý nên mình bắt đầu làm tự do nhiều hơn", Tài cho hay.

"Tùy vào quy mô hay tính chất dự án, mình từng nhận được 500 USD cho một công việc và 16 triệu đồng/ngày sau khi hoàn thành một chương trình tổ chức sự kiện trong ngày hôm đó. Nếu mình chỉ chuyên mảng thiết kế, quay phim, chụp ảnh thì mức lương không dưới 20 triệu đồng/tháng", Tài nói.

Vì sao gen Z chưa ra trường vẫn kiếm được nhiều tiền? - Ảnh 2.

Bắt đầu công việc từ sớm giúp gen Z có thêm nhiều kinh nghiệm và sự trải nghiệm sau khi ra trường

Còn với Nguyễn Vũ Văn Cường, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngay từ năm nhất, Cường đã bắt đầu làm cộng tác viên cho nhiều kênh tin tức và đến năm ba đại học, anh chàng này đã chính thức ký hợp đồng với một công ty giải trí với vai trò là người xây dựng nội dung sáng tạo. Trung bình mỗi tháng mức lương của Cường dao động từ 10 - 12 triệu đồng và có tháng cao điểm thu nhập của anh chàng này có thể mua được máy tính Macbook "xịn" nhất.

Vì sao gen Z chưa ra trường vẫn kiếm được nhiều tiền? - Ảnh 5.

Nguyễn Vũ Văn Cường

NVCC

"Với mình, những kiến thức trường lớp là nền tảng và mình dùng nó để vận dụng vào việc làm thực tế. Điều này giúp mình hiểu rõ bản thân và công việc đang trải nghiệm. Nếu thấy không phù hợp thì mình sẵn sàng chuyển công tác hoặc ngành học khác triển vọng hơn, vì còn trẻ nên mình không ngại thử", Cường bày tỏ.

NHIỀU CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Lý giải về thực tế nhiều gen Z hiện nay dù chưa ra trường nhưng đã có việc làm mang lại thu nhập cao, ông Ngô Đình Đức, Phó chủ tịch Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam, với vai trò phát triển nhân tài và lương thưởng cho doanh nghiệp, bày tỏ: "Thế giới thay đổi quá nhanh với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đổi mới về sáng tạo nên dẫn đến rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ có thể bắt đầu công việc từ sớm".

"Ngoài ra, gen Z có khả năng tiếp nhận những thay đổi nhanh và sự sáng tạo cũng rất bất ngờ, như những kiến thức mới về AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ cơ sở dữ liệu khối) hay sáng tạo nội dung, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội được các bạn học rất nhanh và từ đó kiếm được mức lương ngang bằng hoặc hơn so với những thế hệ trước phải làm lâu năm mới có được", ông Đức nhìn nhận và cũng cho rằng việc có rất nhiều môi trường mở nên gen Z hoàn toàn có thể làm việc từ xa, thời gian thoải mái mà không bị gò bó với những chính sách như đi làm đúng giờ, chấm công hay bắt buộc phải có mặt ở cơ quan…

Bà Vũ Thùy Như Linh, Phó tổng giám đốc HR1Tech, nhận định: "Thị trường lao động hiện nay năng động hơn rất nhiều. Nếu như trước đây doanh nghiệp cần có bằng cấp để làm cơ sở tuyển dụng thì hiện nay ở mỗi nhóm đối tượng đều có việc làm phù hợp. Ví dụ, nhóm THPT và sinh viên dễ dàng có được công việc bán thời gian cho lĩnh vực F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống), các công việc nhập liệu, chăm sóc khách hàng, tổng đài…".

Bà Linh cũng cho biết nhiều trường có chương trình học và thực tập giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm cũng như ứng dụng kiến thức học vào thực tế công việc ngay. Đặc biệt, với chương trình học trong ngành công nghệ thông tin, các sinh viên gen Z sau mỗi kỳ học cũng đã có đủ năng lực để thực hiện công việc đúng chuyên ngành.

Nhắc đến tính hai mặt của việc vừa học vừa đi làm, ông Đức cho rằng ngoài việc học thì đi làm để có thêm tiền và nhiều mối quan hệ, kinh nghiệm cho bản thân, nhưng sinh viên không nên "lún sâu" vào các công việc không phục vụ cho định hướng tương lai. Khi đã định hướng những công việc gắn chặt với ngành học thì đó là một điều rất tốt, giúp các bạn thăng tiến nhanh hơn và tích lũy kinh nghiệm sớm hơn. Và khi ra trường với những nền tảng hiện có, gen Z hoàn toàn có thể tìm được hoặc có sẵn vị trí việc làm chính thức ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, các bạn trẻ phải có kế hoạch rõ ràng, vì cần cân bằng giữa học và làm. Không phải chỉ đi làm sớm, chú tâm làm việc để thành công mà còn phải đạt được cả mục tiêu là tốt nghiệp được khóa học. Chắc chắn, một doanh nghiệp dù thoải mái đến đâu thì họ cũng sẽ yêu cầu người ứng tuyển phải có bằng tốt nghiệp", ông Đức gửi gắm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.