Bữa tất niên... lãng mạn

15/01/2014 09:00 GMT+7

Dù đã là 'một nửa' của đời nhau, vẫn không hiếm những trường hợp vợ giận chồng đến nỗi ôm gói về… đơn vị gốc ngay khi tết cận kề.

Dù đã là “một nửa” của đời nhau, vẫn không hiếm những trường hợp vợ giận chồng đến nỗi ôm gói về… đơn vị gốc ngay khi tết cận kề.

Bữa tất niên... lãng mạn
Minh họa: DAD

Hết lon mới được… hót lên

Chiều tháng chạp, Mẫn nói vợ chờ chút, anh xẹt tới công ty dự tất niên cỡ nửa tiếng rồi về quê tặng quà cho nội, ngoại. Cuộc gặp cuối năm có một thành viên mới toanh: Mai Trinh, nhân viên văn thư xinh như mộng.

Năm mới năm me, sếp thôi… búa đe, cười he he, đưa ra “phương án” nhậu: Cứ một vòng “sinh, lão, bệnh, tử” là bốn lon. Bữa nay mình uống đến chữ “sinh” của vòng thứ hai, vị chi 5 lon là nghỉ. Rồi sếp hỏi đờn đâu, Mai Trinh làm một bài đi em. Trinh hát Mùa xuân đầu tiên, giọng trong veo khiến Mẫn, tay ghi ta xịn của công ty, chơi khá hưng phấn.

“Đáp lại một bài đi Mẫn”, sếp yêu cầu. Mẫn liếc đồng hồ, nghĩ hát xong về là vừa. Và bài Cánh thiệp đầu xuân được anh buông từng lời tha thiết. Mắt Trinh long lanh, nói anh Mẫn đẹp như… tranh, lại hát hay, đờn giỏi. Anh với em, mình cạn lon nhưng đầy tình, anh nhé. Mọi người nhao lên, nói năm nay nhất định Mẫn phát tài. Trinh “tém” một lon rất gọn trong khi Mẫn ì ạch, trái khế chạy lên chạy xuống hàng chục lần mới hết.

Sếp nói nhà anh chiều nay cũng tất niên. Anh mời hết.

Tám, kế toán trưởng, họa theo, nói Trinh đang “chan chứa”, Mẫn thì “chưa chán”, tới luôn. Cuối năm, ai cũng công chuyện lu bu nhưng sếp là… “bếp” của nhà, nồi cơm đầy hay vơi đều cậy vào sếp cả, đố ai dám khước từ. Mẫn a lô cho vợ nhưng chỉ nghe “ò í e”. Anh tặc lưỡi, thôi để mai. Tặng quà thì lúc nào hổng được.

Anh em vừa đến bậc thềm sếp đã tươi cười nói vào đi vào đi, trừ… thơ và dép. Tại đây đầy ắp nhạc và… bia. Ai cũng giành hát. Anh Tám nói phải hết lon mới được “hót lên”. Trinh nói mừng cho anh Mẫn “có chỗ đứng” trong làng ca nhạc, dzậy mấy anh em mình tiếp tục vòng “sinh lão bệnh tử” chứ hén!

Mai Trinh và… “Mai Trê”

Mẫn song ca với Trinh. Vừa hát anh vừa nhảy, vấp xô đá ngã cái “đùng”. Nhưng anh gượng đứng lên, tì “xác” vào người Trinh và… khui tiếp hai lon. Một cho mình, một cho Trinh rồi… bất tỉnh.

Ngủ nhà sếp tới 10 giờ tối, tuy còn lú lẫn nhưng Mẫn phải về. Anh chàng mới ló đầu vào cửa đã bị vợ vừa khóc vừa mắng té tát. Hổng hiểu tay nào tâu lại mà vợ biết hết trơn. Nàng nói con nhỏ đó là “Mai Trê” chớ Mai Trinh gì. Sao không ở lại mà “hót lên” cho đã. Chỉ có “mai trê” (nói lái là mê trai) gặp “mai ghế” (mê gái) mới biết thế nào là “có chỗ đứng” (cứng chỗ đó), mới “chan chứa” với “chưa chán”, mới kề má tựa vai chớ.

Mẫn xin lỗi bà xã, nói anh say vầy là lần đầu, chớ từ hồi nhỏ tới giờ… Vợ cướp lời, chì chiết, nói lý lịch anh tui quá biết. Hồi nhỏ: đi học. Lớn lên: đi nhậu và đi họp. Hết. Có gì mà thanh minh.

Nàng ngoe nguẩy chở con về ngoại. Một buổi. Rồi một ngày… Tết thì đang tới bên lưng. Mẫn điếng hồn, chạy tới nhà anh vợ “khai” về bữa tất niên… lãng mạn. Anh vợ nói không sao đâu, nó đang muốn về nhưng về trong “danh dự”.

Bữa sau Mẫn về quê. Quà cho nội ngoại xong, anh rủ vợ đi chợ tết. Vợ lí nhí: “Đi thì đi”. Câu trả lời giật cục vậy mà Mẫn nghe rất ngọt ngào. Bữa tiệc cuối năm ở nhà mẹ vợ thật ấm cúng nhưng vợ cứ giục về. Mẫn cười hề hề, nói xuân đang “chan chứa” mà anh thì “chưa chán”. Vợ véo cái “sựt” muốn sứt da nhưng hổng hiểu sao Mẫn thấy êm ái lạ thường.

Trần Cao Duyên

>> Chuyện tất niên
>> Mất Tết vì tất niên "quá chén

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.