(TNO) Sau trận động đất ngày 25.4 tại Nepal, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh gây xúc động mạnh về 2 đứa bé ôm lấy nhau, với chú thích là 2 anh em sống sót sau vụ động đất. Tuy nhiên, sự thật thì đây là ảnh chụp 2 anh em người H’mông ở Việt Nam.
Ảnh chụp 2 anh em người H'mông ở tỉnh Hà Giang của phóng viên ảnh Na Sơn
bị thêu dệt thành ảnh nạn nhân vụ động đất tại Nepal - Ảnh: Facebook Na Sơn |
BBC ngày 4.5 cho biết đây là một trong những ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên các trang mạng xã hội sau thảm họa động đất tại Nepal ngày 25.4 vừa qua.
Bức ảnh cho thấy 2 đứa bé ôm nhau, bé gái ghì chặt lấy bé trai lớn hơn như để tìm chỗ trú ẩn khỏi thế giới bên ngoài, còn bé trai thì có ánh mắt sợ sệt.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ, bức ảnh "gây nhói lòng" này đã được lan truyền mạnh mẽ trên Facebook và Twitter với chú thích ảnh “Em gái 2 tuổi được anh trai 4 tuổi bảo bọc tại Nepal”.
Nhiều dân mạng lên tiếng kêu gọi tìm kiếm 2 đứa trẻ này trong số những nạn nhân của trận động đất tại Nepal, có người còn kêu gọi quyên góp.
Tuy nhiên, bức ảnh này thực ra được chụp cách đây gần 10 năm tại một vùng quê miền bắc Việt Nam, BBC cho biết.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tác giả thật sự của tấm ảnh là anh Na Sơn, phóng viên ảnh thường xuyên cộng tác với hãng tin AP. “Tôi chụp bức ảnh này này tại làng Cán Tỷ, tỉnh Hà Giang, hồi tháng 10.2007”, anh Na Sơn cho biết.
Phóng viên ảnh thuật lại rằng khi đi ngang ngôi làng, anh thấy 2 đứa trẻ người H’mông đang ngồi chơi trước nhà lúc cha mẹ làm việc ngoài đồng.
“Tôi đã nói chuyện bằng tiếng H’mông với 2 đứa nhỏ. Bé trai, khoảng 3 tuổi, ôm lấy em gái, chắc khoảng 2 tuổi, khóc lên vì thấy người lạ. Thấy cảnh tượng quá dễ thương và xúc động nên tôi đã nhanh chóng lấy máy ra chụp”, theo anh Na Sơn.
Anh Sơn đã đăng tấm ảnh này lên blog cá nhân của mình. Cách đây 3 năm, anh đã sửng sốt khi phát hiện bức ảnh được nhiều người dùng Facebook Việt Nam chia sẻ với chú thích ảnh “trẻ mồ côi bị bỏ rơi”.
“Một vài người thậm chí đã thêu dệt nên những câu chuyện hư cấu về 2 đứa bé, chẳng hạn như mẹ chúng đã qua đời và người cha bỏ rơi chúng”, anh Sơn nói.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, anh còn phát hiện bức ảnh được đăng tải nhiều nơi với chú thích là “trẻ mồ côi Myanmar”, hay thậm chí là “nạn nhân nội chiến Syria”.
“Nhiều người đã kêu gọi tìm kiếm và quyên góp cho 2 đứa nhỏ… Làm việc thiện là điều tốt, nhưng trong tình huống này là không đúng, vì chúng đâu phải trẻ mồ côi”, anh Sơn cho hay.
Bình luận (0)