Sáng nay 8.4, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo toàn quốc góp ý dự thảo “Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hệ thống cảng cá hiện nay của Việt Nam lạc hậu và yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu khai thác, bảo quản, chế biến ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ |
quang thuần |
Trong những năm qua ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: tổng sản lượng thủy sản hằng năm đạt khoảng 8,3 - 8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,5 - 8,9 tỉ USD.
Do hạn chế về dự báo quy hoạch trước đây nên phần lớn cảng cá mới thiết kế để tiếp nhận tàu 600CV cập cảng. Trong khi tàu cá xa bờ tăng lên 800÷1.000CV như các tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Quy mô cảng cá nhỏ không đủ diện tích đầu tư xây dựng xưởng cơ khí đóng sửa tàu cá và chế biến thủy sản nên hoạt động cảng cá đơn điệu, nguồn thu tài chính ít ỏi, không hình thành chuỗi hạ tầng khép kín để giảm chi phí, giá thành.
Đến năm 2021 cả nước có 92 cảng cá đi vào hoạt động ở 27 tỉnh, thành phố ven biển đáp ứng được 82.000 tàu thuyền cập cảng làm hàng. Như vậy số lượng cảng cá được xây dựng và đi vào hoạt động mới đạt 73,6% quy hoạch và đáp ứng 84,87% số lượng tàu cá vào cập cảng. Tiến độ đầu tư xây dựng các cảng cá chậm so với quy hoạch khiến cho một số cảng lâm vào tình trạng quá tải như cảng cá ở Cửa Hội (Nghệ An), cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), Gành Hào (Bạc Liêu), Tắc Cậu (Kiên Giang)... Đến nay chưa có cảng cá nào đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường nên nước và rác thải không được thu gom xử lý mà đổ thải xuống sông xuống biển vì thế các cảng cá rất ô nhiễm chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo dự thảo quy hoạch mới, đến năm 2030, toàn quốc có 152 cảng cá, đảm bảo thông qua 2,65 triệu tấn thủy sản/năm (tương đương 100% sản lượng khai thác), đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng cá được chỉ định, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tăng cường công tác quản lý nghề cá.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đề xuất giải pháp đầu tư là kêu gọi xã hội hóa, chuyển giao mạnh mẽ, thậm chí nhượng quyền kinh doanh cảng cá cho tư nhân; khuyến khích các nhà đầu tư cùng xây dựng, khai thác, kinh doanh; tham gia nạo vét, duy tu cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp tận thu sản phẩm, khai thác khoáng sản, vật liệu không sử dụng ngân sách nhà nước. Trước mắt, Bộ NN-PTNT đề xuất thực hiện thí điểm nhượng quyền kinh doanh, khai thác tại một số cảng cá, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm thực hiện trên các công trình khác. Tùy vào mức độ nhượng quyền, nhà đầu tư có thể được quyền kinh doanh, khai thác kết cấu công trình trong một thời gian nhất định và chịu trách nhiệm bảo trì; đảm bảo an toàn, đảm bảo an sinh xã hội.
Bình luận (0)