Bức thư không niêm

(Kính gửi ông Bộ trưởng và các vị lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo)

Với cả ước mong của một người nhiều năm làm nghề dạy học ở hai cấp trung học và đại học, tôi xin có bức thư không niêm này kính gửi ông Bộ trưởng và tất cả các vị làm công tác giáo dục - đào tạo, các đồng nghiệp cùng tham khảo. Đây chỉ là cái nhìn của một người đã kinh qua hai thời kỳ dạy học, trải qua hai giai đoạn lịch sử khác nhau.
Đất nước chúng ta đang thực hiện một nền giáo dục phát triển. Khát vọng chung của chúng ta là nền giáo dục này phải tiến kịp các nền giáo dục tiên tiến của nhiều quốc gia khác, vươn lên hàng đầu nhưng vẫn giữ được bản sắc VN. Tiếc thay, chúng ta đã mất quá nhiều năm để cứ loay hoay mãi trong việc cải tổ từ nội dung dạy và học cho đến mô hình giáo dục.

Khi đề văn mở

Nhìn vào hoạt động giáo dục hôm nay, nhiều người không khỏi lo lắng vì sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có thể làm máy móc hóa đời sống tâm hồn và sự phát triển tư duy, tình cảm của trẻ con. 

Chính trị của các quốc gia có thể khác nhau, văn hóa các dân tộc có thể khác nhau nhưng mô hình giáo dục và mục tiêu của các nền giáo dục thì cơ bản chỉ là một. Nó thống nhất ở chỗ lứa tuổi nào thì được học cái gì. Nó thống nhất ở chỗ giáo dục là nuôi dưỡng tâm hồn và khơi nguồn tri thức cho con người để từ đó, các dân tộc có thể có được những con người ưu tú, giỏi giang, có tình yêu nước và có thành tâm thiện ý đem tri thức của mình phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Nhân loại đã tiến rất xa với đà tiến của nền khoa học - kỹ thuật vượt bậc trong đầu thế kỷ 21. Qua những gì đã sàng lọc được, chúng ta đã thấy mô hình giáo dục nào là tiên tiến, đậm đà tinh thần nhân văn nhất. Chúng ta có thể mạnh dạn áp dụng mô hình ấy nhưng có sàng lọc, gạn đục khơi trong để mô hình ấy phù hợp với bản sắc dân tộc và đặc điểm chính trị của đất nước ta.
Việc tuân thủ một số tư duy cũ kỹ của thời bao cấp đã kìm hãm sự phát triển giáo dục của chúng ta nhiều năm. Vì vậy so với những hoạt động khác như ngoại giao, y tế, công nghiệp, đầu tư, căn bản tư duy của nền giáo dục vẫn còn rất giáo điều, vẫn xem trọng những công thức sáo mòn và chưa kịp, chưa dám đổi mới. Chúng tôi tin rằng ngành chúng ta cứ mạnh dạn đổi mới từ tư duy giáo dục đến mô hình giáo dục. Các nền giáo dục tiên tiến làm thế nào, chúng ta làm như vậy, chỉ là phải gìn giữ và phát huy bản sắc VN.
Tôi kính mong các vị tuyệt đối thận trọng, không tin theo những cải cách nửa vời, những “chuyên đề” viển vông và vô vị. Trong giáo dục còn có rất nhiều người háo danh, đã viết ra những cuốn sách hướng dẫn học tập bộ môn dành cho học sinh với nhiều kiến thức sai lạc. Điều lạ là các quyển sách ấy vẫn được in ra để bán rộng rãi trong các nhà trường, trục lợi trên các em học sinh và phụ huynh. Một người nào đó đã đưa ra phương pháp viết chữ bỏ bụng gọi là tiết kiệm thời gian và mực viết mà vẫn được ngành giáo dục tin theo, buộc nhà giáo phải học tập để dạy cho học sinh cả nước. Kết quả là đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, con em chúng ta viết chữ chẳng ra làm sao cả, ngành phải quay về với chủ trương viết chữ có bụng. Một cái đề xuất tào lao như vậy làm tốn bao nhiêu tiền bạc, công sức, thời gian của ngành!
Nhìn lại con đường giáo dục cũ, nhiều khi có cảm giác chúng ta đem các em học sinh ra làm thí nghiệm. Phương pháp nào cũng có thể đưa ra làm thí nghiệm trên học sinh. Một người nào đó cao hứng đề ra “phương pháp thực hiện bài tập theo bài văn mẫu” đã khiến trẻ con chúng ta làm ra các bài tác văn thành một vườn hoa nở toàn một thứ... cúc vạn thọ. Các cán bộ của ngành giáo dục kinh nghiệm văn phòng có dư nhưng kinh nghiệm dạy học thì quá thiếu đã cho in ra những bài văn mẫu xơ cứng, khô khan chẳng ra làm sao cả. Rõ ràng, hướng ra đề văn mở đã tạo điều kiện cho con em ta phát triển tình cảm và tư duy, văn chương của các cháu vì vậy mà trở thành sống động và đầy lòng nhân ái.

Hãy là chính mình

Một nghệ sĩ đang hoạt động văn hóa nghệ thuật thường ăn cơm với canh chua, cá kho, thịt kho, thịt quay, các món rau cải. 

Rất nhiều lần, ngành chúng ta nói đến việc giảm tải giáo dục. Chúng tôi hiểu khái niệm giảm tải là giảm bớt sức nặng, thời gian, tính bó buộc đối với học sinh trong việc học hành và đối với nhà giáo trong việc dạy dỗ. Một số bộ môn xét ra không còn phù hợp đã được bỏ đi hay sáp nhập nội dung với các bộ môn khác. Thế nhưng, chúng ta đã giảm tải được chưa? Câu trả lời là chưa, thậm chí càng ngày tình trạng quá tải đối với học trò và nhà giáo càng trầm trọng.
Có đứa bé nào trên thế giới đi học mà phải mang nặng một cặp sách hay ba lô đầy ắp như đứa bé VN? Có đứa bé nào phải học nhiều, học đủ ba buổi sáng, chiều ở trường và tối ở nhà như đứa bé VN? Do nhu cầu gì mà trẻ con ta học quá nhiều đến nỗi 60% các cháu bị cận thị và loạn thị, phải mang mắt kính thuốc ngay từ lớp 3 trở lên? Tôi hình dung sau đây 10 năm sẽ thiếu các em thanh niên đủ tiêu chuẩn thi hành nghĩa vụ quân sự. Hãy lấy con số học sinh mang kính thuốc mà đo sự quá tải của nền giáo dục và hãy so sánh trẻ con của chúng ta với trẻ con các nước bạn.
Hãy nhìn trẻ con của chúng ta. Nhiều em không có sự hoạt bát, lanh lợi, tự tin đến nỗi người lớn đưa tay ra bắt cũng không dám, người lớn hỏi chuyện cũng chỉ dám trả lơi nhát gừng hoặc lí nhí trong miệng. Trong một buổi lễ, trẻ con không được phát biểu ý kiến của chúng mà là phải do thầy cô viết ra và kêu chúng đọc. Nền giáo dục của ta đã “úm” trẻ con bằng thứ tư duy bao cấp lỗi thời. Hãy nghe những lời phát biểu, hãy nhìn những cách ứng xử của trẻ con nước ngoài. Bức thư của em bé Mỹ Madison - con của một người cha là tội phạm hình sự, gửi cho ông Obama, vừa lễ phép, vừa chân thành và cũng vừa thẳng thắn. Nền giáo dục nhân văn là nền giáo dục đào tạo ra con người thẳng thắn.
Kinh nghiệm cho thấy rằng một đứa trẻ chỉ cần học những gì có trong sách giáo khoa là có thể có vừa đủ kiến thức bộ môn mà khỏi cần học thêm dưới các hình thức bồi dưỡng, phụ đạo. Một bằng chứng sống động là các em học sinh phổ thông trung học ở hai huyện vùng sâu Nghệ An chỉ cần học và ôn thi với thầy cô mà 100% tốt nghiệp phổ thông, đa số thi đậu vào đại học vượt xa các trường danh giá ở các thành phố lớn. Các em ấy không tốn một đồng bạc nào học thêm. Việc các trường ở các thành phố lớn “buộc” học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải đóng tiền học thêm là phi giáo dục.
Thật xót xa khi trẻ con chúng ta qua sông đi học phải đu dây, mùa đông không có được đôi giày và chiếc áo ấm, nội trú phải ăn những bữa cơm không có chất protein. Làm sao ta nói đến công bằng xã hội khi trẻ con chưa được hưởng những quyền sơ đẳng nhất của chúng? Trong khi đó, có những công trình ngàn tỉ đồng vẫn trùm mền, những công trình bị ăn gian nhanh xuống cấp, những dự án xây dựng các công trình vô bổ được đề xuất. Ngành giáo dục của chúng ta đáng lẽ phải mạnh dạn lên tiếng để có sự điều tiết hợp lý chứ không phải im lặng, dành cái “quyền” lên tiếng cho báo chí truyền thông.
Cái gốc để phát triển đất nước, để dân tộc trường tồn là văn hóa. Cái gốc của văn hóa là giáo dục. Mỗi nhà trường là một trung tâm văn hóa, nơi nuôi dưỡng và ươm mầm văn hóa đích thực, khác xa khái niệm thiết chế văn hóa của ngành văn hóa thông tin. Ngoài chuyện dạy và học để phát triển văn hóa, nhà trường phải là nơi thể hiện văn hóa ứng xử nồng thắm, chân thành nhất của quan hệ ứng xử giữa người và người. Những biểu hiện sai trái không được phép có và diễn ra trong nhà trường như người ta có thể thấy trong xã hội. Ngay đến việc “hình nhi hạ” nhất là chỗ vệ sinh cho các cháu học sinh bắt buộc trường nào cũng phải có. Ta không thể dạy các cháu bảo vệ môi trường khi chỗ vệ sinh của các cháu còn rất gớm ghiếc. Một đứa bé vào lớp mà nhịn uống nước để khỏi phải đi vào nhà vệ sinh thì quả là một sự trừng phạt. Đừng vì nói thiếu tiền mà không có được nhà vệ sinh cho học sinh.
Nền tảng của phẩm giá con người là sự tiến bộ và phát triển nhân cách của cá nhân. “Nơi trẻ con, ta kính trọng con người; nơi con người, ta kính trọng nhân tính” - triết gia Fouillée đã nói như vậy. Xin hãy thật sự quý trọng phẩm giá của trẻ con. Xin cám ơn ông Bộ trưởng và các vị !
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.